Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Rau xanh: Nơi bán cao ngất ngưởng, chỗ rẻ không người mua

Giá rau xanh tại các chợ ở Hà Nội hiện tăng cao gấp 2 - 3 lần trước Tết Nguyên Đán. Nhiều tiểu thương không dám nhập hàng với số lượng lớn do lo ngại giá rau tăng cao. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, giá mỗi kg cây bắp cải chỉ 1.000 đồng bán không có người mua.

Chị Thanh Hòa, tiểu thương bán rau ở chợ Châu Long (Hà Nội) cho biết, giá rau xanh hiện cao gấp 2 – 3 lần so với dịp Tết Nguyên Đán. Các chủ sạp rau không dám nhập hàng với số lượng lớn còn khách lại khá e dè bởi giá rau đang quá đắt. Hiện tại, giá rau tại các chợ phổ biến ở mức: Bắp cải: 15.000 đồng/kg; su hào: 8.000 đồng/củ; cải cúc: 15.000 đồng/mớ (bình thường chỉ 5.000 đồng/mớ); cần ta, rau muống: 15.000 đồng/mớ (bình thường chỉ 5.000-7.000 đồng); hành, mùi tím, xà lách, rau thơm các loại: 50.000 đồng/kg (bình thường chỉ 15.000 - 20.000 đồng); nấm đùi gà: 150.000 đồng/kg (bình tường chỉ 50.000- 60.000 đồng); bí xanh: 20.000 đồng/kg; bí đỏ: 15.000 đồng/kg… "Nhìn chung, các loại rau đều đắt gấp 2- 3 lần so với trước Tết Nguyên đán" – chị Bùi Thị Dung (Long Biên, Hà Nội) nhận xét.

Rau xanh: Nơi bán cao ngất ngưởng, chốn bán không người mua - Ảnh 1.

Rau xanh bán tại các chợ Hà Nội đang cao ngất ngưởng.

Lý giải nguyên nhân giá rau đắt đỏ, chị Thanh Hòa cho biết, do thời tiết cực đoan kéo dài khiến rau ở một số vùng trồng chết hết. Đặc biệt, do trận mưa đá dịp Tết khiến nhiều diện tích rau phải nhổ bỏ. Nhiều nhà vườn đã khắc phục bằng cách trồng kế vụ nhưng vẫn không đủ lượng cung ứng.

Thực tế, câu chuyện rau xanh tăng giá không phải mới, mỗi khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi như bão lụt, mưa nhiều gây úng ngập, hạn hán, mưa đá, giông lốc… Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổng hợp của các địa phương tại các tỉnh phía Bắc cho thấy vụ đông 2019 - 2020, tổng diện tích rau đậu các loại ước đạt khoảng 180.000ha, giảm khoảng 5.000ha so với vụ đông năm 2018-2019. Tuy nhiên, mức giảm này không có nhiều tác động tới nguồn cung rau trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Nguyên do bởi, hầu hết diện tích rau vụ đông trên chân đất lúa đã được thu hoạch dứt điểm từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý.

Điều đáng nói, trong khi giá rau xanh tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc đang cao ngất ngưởng thì tại Lâm Đồng – thủ phủ trồng rau ở Tây Nguyên, bắp cải giá 1.000 đồng/bắp, nông dân định băm nhỏ ủ làm phân đẩy nông dân vào thua lỗ.

Những ngày gần đây, giá rau, củ ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) có nhiều biến động và chênh lệch lớn về giá cả. Theo đó, bắp cải chỉ còn 1.000/bắp, ớt chuông rớt giá còn 8.000 đồng/kg. Theo một hộ trồng rau tại xã Quảng Lập (Đơn Dương) cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, gia đình không bán được rau dù giá xuống sát đáy. Hiện bắp cải quá ngày thu hoạch và đang có xu hướng rạn nứt. Điều đáng nói, dù chấp nhận bán với giá 1.000 đồng/kg nhưng không phải nhà vườn nào cũng may mắn bán được rau. Trước tết, thương lái đặt cọc 5 triệu đồng với ý định mua cả vườn nhưng nay họ chấp nhận hủy kèo, bỏ luôn tiền cọc. Mỗi bắp cải đều có trọng lượng từ 2 - 4kg/bắp và trước Tết có giá 5.000 đồng/kg.

Thời điểm này năm ngoái, ớt chuông được tiêu thụ đề và có giá lến đến 30.000 đồng/kg. Ở mức giá này, nhà vườn có cơ hội đạt thu nhập hàng trăm triệu mỗi ha. Với mức giá hiện nay, chỉ 8.000 đồng/kg, người trồng ớt chuông thu về không bù được chi phí đầu tư.

Huyện Đơn Dương là vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng với diện tích lên tới hàng chục nghìn ha. Nhiều năm qua, đây là vùng trồng và cung cấp rau quanh năm cho thị trường trong và ngoài nước. Việc phát triển các nông sản chủ lực như bắp cải, su hào, cải thảo, xà lách, cà chua, hành tây, khoai tây... trong điều kiện giá cả thị trường ổn định đã giúp nhiều gia đình trở nên giàu có.

Trong khi giao thương, vận tải đều thuận lợi nhưng nơi rau rẻ mạt, thậm chí bán không có người mua, nơi giá rau cao ngất ngưởng khiến nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề lưu thông hàng hóa. Phải chăng, tư thương đang ép giá người trồng rau trong khi bán cho khách hàng với giá cao chót vót?