Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Rượu bia nhiều có thể dẫn tới viêm tuỵ cấp

Phần lớn các trường hợp cấp cứu vì viêm tụy cấp có nguyên nhân từ uống rượu bia quá đà. Điều này đặc biệt nguy hại trong những ngày nghỉ tết, người dân thường chúc tụng với thức uống có cồn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: SK&ĐS

Ảnh minh hoạ. Nguồn: SK&ĐS

Báo VietNamNet dẫn nguồn tin từ Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Tuấn, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, chức năng của tuyến tụy là tiết ra các enzyme cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Viêm tụy cấp là tình trạng viêm và tự hủy mô tụy cấp tính, do chính  men tụy gây ra, dẫn đến các biến chứng tại chỗ và toàn thân.

“Viêm tụy cấp có biểu hiện từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong”, bác sĩ Tuấn cảnh báo.

Đáng nói, phần lớn các trường hợp cấp cứu vì viêm tụy cấp có nguyên nhân từ uống rượu bia quá đà. Điều này đặc biệt nguy hại trong những ngày nghỉ tết, người dân thường chúc tụng với thức uống có cồn. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là đau bụng, chiếm khoảng 90%, chủ yếu là đau vùng thượng vị. “Cơn đau dữ dội, xảy ra đột ngột sau một bữa ăn thịnh soạn nhiều chất đạm, nhiều mỡ hoặc sau khi uống nhiều rượu bia”, bác sĩ Cao Ngọc Tuấn giải thích. Người bệnh đau kéo dài liên tục hoặc từng cơn, đau lan ra sau lưng hoặc lan sang hạ sườn 2 bên, giảm đau khi gập người lại. Cơn đau này rất dễ bị nhầm với đau do viêm dạ dày.

Trong khi đó, khoảng 70% người bệnh bị nôn và buồn nôn. Bệnh nhân thường nôn ra dịch mật, dịch dạ dày hoặc có khi ra máu. Ngoài ra, người bệnh có thể chướng bụng hoặc kèm theo rối loạn ý thức, tụt huyết áp, đi tiểu ít…

Đáng chú ý, cơn đau viêm tụy cấp thường bị nhầm với đau dạ dày, khiến người bệnh bị biến chứng, chậm cấp cứu hoặc suy đa tạng. Theo BS. Tuấn, điểm khác biệt là cơn đau do viêm tụy cấp sẽ không thuyên giảm kể cả khi sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị đau dạ dày.

Bên cạnh rượu bia, viêm tụy cấp còn có thể do người bệnh bị sỏi đường mật, nhiễm giun sán, tăng triglyceride máu, chấn thương vùng bụng từ ngoài; tăng canxi huyết hoặc do sử dụng một số loại thuốc. 

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa viêm tụy cấp: Cần xem xét phẫu thuật cắt túi mật nếu sỏi mật là nguyên nhân gây ra viêm tụy; cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần; không được uống rượu, bia và uống đủ nước; chia nhỏ bữa ăn; bữa sáng phải có rau xanh ăn kèm; không hút thuốc lá; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ; vận động thể lực khoảng 60 phút/ngày, 4 ngày/tuần...

Liên quan tới tác hại của bia rượu, theo báo Sức khoẻ và Đời sống, chất cồn trong rượu, bia có tác dụng kích thích làm cho cơ thể hưng phấn, nếu uống quá nhiều, trước tiên sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần như kích động, bạo lực, sau đó sẽ ức chế não làm giảm nhịp thở, nhịp tim, giảm khả năng cử động chính xác, giảm tập trung chú ý, suy nghĩ kém nhanh nhạy, nhìn mọi vật đều mờ ảo, thậm chí song thị (nhìn một hóa hai)… 

Đối với xã hội, mỗi năm còn gây ra hàng nghìn vụ bị tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Về kinh tế, do lạm dụng rượu, bia sẽ tiêu tốn hơn 180 tỉ đô la mỗi năm.

Với phụ nữ mang thai nếu uống rượu, bia có thể gây những phản ứng bất lợi cho bào thai như nhiễm độc bào thai, chậm phát triển tâm thần và có vấn đề về hành vi, nếu nặng có thể dẫn đến thai nhi bị dị tật… 

Đối với một số người bị bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng sẽ làm tăng axit dạ dày do trong rượu, bia có chứa nhiều CO2, khi vào cơ thể sẽ làm tăng axit dạ dày, gây đau thắt bụng do vết viêm, loét kịch phát, thậm chí còn gây xuất huyết hoặc thủng dạ dày. 

Với người mắc bệnh gout, do trong bia có nguyên liệu chính là lúa mạch, chứa can xi, axit oxalic và nucleotide purine làm tăng đáng kể lượng axit uric trong nước tiểu. Vì thế, bia có thể dẫn đến nguy cơ gây bệnh gút nếu lạm dụng.

Bia, rượu có thể gây béo phì, bởi vì, bia chứa rất nhiều calo, uống bia trong một thời gian dài có thể khiến cơ thể tích tụ mỡ và xuất hiện "bụng bia", dẫn đến béo phì dễ mắc các bệnh về huyết áp và tim mạch. 

Tương tự như béo phì, uống bia sẽ làm tăng gan nhiễm mỡ, dễ dẫn đến xơ gan...  

Uống rượu bia cũng ảnh hưởng đến tim mạch, đặc biệt người đang mang trong mình bệnh tim mạch, tăng huyết áp (THA), thường gặp nhất là người cao tuổi (NCT). Bởi vì, NCT sức đề kháng suy giảm cho nên rất dễ mắc nhiều bệnh, trong khi đó một số NCT thường thích uống rượu, nhất là "rượu thuốc" (rượu có ngâm với các vị thuốc dân tộc hoặc rắn hổ mang, sừng tê giác). Vì vậy, NCT nghiện rượu, bia khó tránh khỏi sự ảnh hưởng bởi rượu đến hệ tim mạch, THA và nhiều bệnh khác thường gặp ở NCT. 

Tại thời điểm uống vào, rượu có thể gây tăng nhịp tim và THA tạm thời, nếu người đang mắc bệnh THA thì huyết áp tăng đột biến gây cơn THA kịch phát có thể gây đột quỵ rất nguy hiếm cho tính mạng. 

Nếu uống liên tục nhiều lần trong ngày nhất là trong những ngày Tết, nguy cơ hình thành cơn đau tim do rượu và đột quỵ não (tai biến mạch máu não) hoặc đột quỵ tim (do nhồi máu cơ tim) trên NCT bị bệnh tim và xơ vữa động mạch (động mạch vành nuôi tim và động mạch nuôi não). 

Vì vậy, những người đang mắc các bệnh về tim mạch, THA khi bị mắc bệnh về tim mạch, đặc biệt là NCT, cần lưu ý kiêng rượu, bia nhất là dịp Tết Nguyên đán.