Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sáng kiến sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu cho phụ nữ vùng đầm phá Tam Giang

Sáng 29/3, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội thảo tổng kết dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam”, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) tổ chức.

Trồng rừng ngập mặn tại vùng đầm phá Tam Giang

Trồng rừng ngập mặn tại vùng đầm phá Tam Giang

Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023. 

Dự án nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển tại địa bàn nguy cơ ngập lụt cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua cách tiếp cận “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái” dựa vào các bên liên quan.

Các hợp phần chính của dự án bao gồm: Xây dựng vườn ươm cây ngập mặn được quản lý bởi cộng đồng và trồng dặm cây bần ngay tại khu vực đầm phá xã Hải Dương (TP Huế); Phối hợp với Hội phụ nữ xã tại các cộng đồng ven phá Tam Giang tổ chức hoạt động truyền thông về giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái; Tổ chức cuộc thi sáng kiến sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái.

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Anh - Giám đốc CSRD, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu tác động lớn từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, với tần suất dày và cường độ cao. Đặc biệt khu vực đầm phá Tam Giang - vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á - là nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão từ biển Đông.

Đặc biệt, phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, đồng thời cũng thường xuyên phải đối diện trực tiếp với các trận bão lụt, hạn hán để đảm bảo đời sống thường nhật cũng như sinh kế cơ bản. 

Theo dự báo, trong tương lai, cộng đồng ven biển có thể cần phải nâng cao sức chống chịu hơn nữa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tần suất và cường độ của bão, lũ lụt, cũng như mực nước biển dâng. Những biện pháp thích ứng, quản lý rủi to thiên tai cần được áp dùng một cách bền vững và bình đẳng hơn. Trong đó, phụ nữ là nhóm đối tượng có thể đóng góp lớn vào các giải pháp chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng là nhân tố quan trọng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và sinh kế cấp địa phương cũng như có kiến thức cũng như năng lực xây dựng sức chống chịu của cộng đồng.

Số liệu thống kê, có khoảng 500.000 người hiện đang sinh sống ở 32 xã vùng trũng dọc theo đầm phá và bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Ước tính 100.000 phụ nữ có sinh kế trực tiếp dựa vào tài nguyên đầm phá như đánh bắt thủy sản và sử dụng nguồn nước ở đây. Trong khi đó, khoảng 200.000 người khác sử dụng các dịch vụ do hệ sinh thái mang lại một cách gián tiếp như là: phòng chống lũ và sản xuất nông nghiệp.

Khoảng 100 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo

Khoảng 100 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo

Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” không chỉ trồng rừng ngập mặn mà còn chú trọng thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi hoạt động: ươm cây, trồng cây, truyền thông, sinh kế. Vườn ươm cây ngập mặn giúp đáp ứng được nhu cầu mở rộng diện tích cây ngập mặn hiện tại, mang lại thu nhập trực tiếp từ hoạt động này bằng cách hỗ trợ sự ổn định về mặt kinh tế và xã hội cho phụ nữ, tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái trên phá Tam Giang. 

Tổng cộng đã có khoảng 28.000 cây giống và trái giống cây ngập mặn đã được ươm, trong đó, 7.000 là cây đước đôi, khoảng 21.000 cây bần chua. Các cây giống được ươm trong vườn ươm cho đến khi được bán và trồng bởi cộng đồng quanh đầm phá. Nhờ đó, cộng đồng có thêm nguồn thu nhập trực tiếp và tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái ven biển. Dự án cũng đã trao giải nhất cho sáng kiến sinh kế đạt giải và có tính ứng dụng thực tế cao là “Tận dụng rơm rạ để trồng nấm bào ngư và tạo phế phẩm sinh học làm phân bó hữu cơ tại xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ mục tiêu - sứ mệnh của dự án “Gốc rễ bền chặt, phụ nữ quật cường” - đề cao vai trò của phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp; Kết quả của hoạt động vườn ươm cây ngập mặn và trồng dặm rừng ngập mặn; Kết quả cuộc thi sáng kiến truyền thông và sáng kiến sinh kế về các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái; Thúc đẩy tầm quan trọng của các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái, chú trọng hệ sinh thái ngập mặn;  Xây dựng kết nối giữa các đối tác địa phương, các đối tác trong nước và quốc tế trong các hoạt động nâng cao sức chống chịu của cộng đồng ven biển với biến đổi khí hậu. 

Các đại biểu nữ tham dự Hội thảo

Các đại biểu nữ tham dự Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã có những tham luận, ý kiến trao đổi làm rõ hơn về tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, sự ảnh hưởng của nó cũng như cách thích ứng, giảm thiểu rủi ro; vai trò của người phụ nữ trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Đại diện Trường Đại học Potsdam cho rằng, phụ nữ và cộng đồng ở các nước đang phát triển là những người tiên phong trong thích ứng với biến đổi khí hậu với những rủi to thiên tai ngày càng gia tăng như: lũ lụt, hạn hán, gây ảnh hưởng đến sinh kế của họ,....Phụ nữ có những kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao sức chống chịu của cộng đồng trước những thiên tai có xu hướng cực đoan. Sự tham gia của phụ nữ là thiết yếu để quản lý rủi ro thiên tai một cách hiệu quả và thiết kế, tạo nguồn lực thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai có nhạy cảm về giới.

Đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, việc tuyên truyền, nâng cao năng lực cho phụ nữ về vai trò và khả năng đóng góp của họ trong phòng chống thiên tai cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Cuộc thi sáng kiến truyền thông và sáng kiến sinh kế được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh đã tạo không khí sôi nổi và là động lực cho người dân tìm hiểu về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái, rừng ngập mặn cũng như mô hình sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên.