Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sau 15/9, nhiều phóng viên ở TP.HCM vẫn gặp khó khăn khi ra đường tác nghiệp

(Dân sinh) - Trong các cuộc họp, lãnh đạo TP.HCM luôn mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục đồng hành để hỗ trợ, sát cánh cùng TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phóng viên vẫn còn gặp khó khăn trong việc ra đường để tác nghiệp.

Tại cuộc họp báo chiều 15/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình ghi nhận và cảm ơn các phóng viên, nhà báo đã và đang đồng hành cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Ban tổ chức họp báo suốt thời gian qua để kịp thời cung cấp thông tin đến người dân.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục đồng hành để hỗ trợ, sát cánh cùng TP.HCM: "15 ngày tới sẽ tiếp tục là chuỗi ngày nhiều thách thức của TPHCM; việc nới lỏng hay siết chặt giãn cách được TP đánh giá từng giờ, từng ngày để kịp thời điều chỉnh phù hợp với từng khu vực. Vì vậy, báo chí cần chuyển tải thông tin này để người dân hiểu và sẵn sàng tâm thế mới", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn.

Nhiều Phóng viên ở TP.HCM băn khoăn vì bị hạn chế lưu thông trên đường - Ảnh 1.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục đồng hành để hỗ trợ, sát cánh cùng TP.HCM.

Tuy nhiên, theo Thông báo số 3660/TB-CATP-PV01 của Công an TP.HCM thì từ ngày 16/9, các nhóm đối tượng được lưu thông trên đường mà không cần giấy đi đường lại không có lực lượng phóng viên.

Về việc phóng viên được lưu thông trên đường, Thông báo số 3660/TB-CATP-PV01 của Công an TP.HCM nêu rõ, các giấy đi đường đã cấp có ghi thời hạn đến ngày 06/9/2021 hoặc ngày 15/9/2021 được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy đi đường theo quy định giãn cách của UBND TP.HCM.

Như vậy, việc hạn chế (từ 23/8) phóng viên ra đường bằng việc CA TP.HCM cấp giấy đi đường trước đó (Số lượng giấy đi đường cấp không quá 10% trên tổng số lực lượng công chức viên chức người lao động tại đơn vị) đã khiến việc tác nghiệp của nhiều cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn.

Nhiều Phóng viên ở TP.HCM băn khoăn vì bị hạn chế lưu thông trên đường - Ảnh 2.

Nhà báo Trần Nhật Linh trong một lần tác nghiệp về hoàn cảnh người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh chụp trước ngày 15/8/2021).

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình ra đường để đi tác nghiệp, Nhà báo Trần Nhật Linh (Tạp chí Sở hữu trí tuệ) cho hay: "Lâu nay báo chí vẫn được biết đến là một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, nhưng có một thực tế là chỉ khoảng 10% số phóng viên trong tòa soạn được trực tiếp tham gia tác nghiệp trong 1 tháng qua. Các cơ quan báo chí, phóng viên đã nghiêm túc chấp hành quy định 'ai ở đâu ở yên đó' và làm việc tại nhà, nhưng tình trạng này không thể kéo dài. Vì với việc phải ở nhà, thông tin tiếp nhận rất hạn chế, độ chính xác của nguồn tin cũng không cao dễ dẫn đến việc tuyên truyền chính sách, phương án phòng chống dịch không đúng".

Cũng theo Nhà báo Trần Nhật Linh, vừa qua sau ngày 15/9, một số ngành nghề được phép ra đường để đi đến nơi làm việc nếu người đó có thể chứng minh thân phận, nhưng báo chí vẫn bị gây khó dễ tại các chốt kiểm soát. Tôi cho rằng Sở TT&TT TP.HCM nên có thông báo cụ thể để hỗ trợ báo chí tác nghiệp, không thể để các phóng viên ở bên lề quy định như vậy.

Cũng chia sẻ những khó khăn của mình khi ra đường để tác nghiệp, Nhà báo Nguyễn Tùng (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nói: Thực tế hiện tại giấy đi đường của tôi chỉ có hiệu lực từ lúc 6 giờ cho đến lúc 18 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, các tin tức thời sự thì xảy ra 24/24 giờ. Bên cạnh đó, cơ quan tôi vẫn có những bản tin vào buổi tối vì thế mỗi một lần đi làm về thì lại phải nài nỉ xin lực lượng chức năng trực chốt mới được cho qua.

"Báo chí là lực lượng có công việc đặc thù, luôn phải kịp thời cập nhật thông tin đến người dân, vì vậy tôi cho rằng TP.HCM cần phải có sự điều chỉnh và tạo mọi điều kiện để các phóng viên báo chí được ra đường tác nghiệp".

Trước những khó khăn của các phóng viên khi ra đường tác nghiệp, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho rằng: Đây là nhu cầu chính đáng bởi báo chí là lực lượng quan trọng trong công tác phòng chống dịch, thuộc nhóm 17 đối tượng được phép ra đường theo quy định của UBND TP.HCM.

Do đó, mặc dù theo quy định Sở không có thẩm quyền cấp giấy đi đường quá 10% trên tổng số lực lượng công chức viên chức người lao động tại đơn vị, nhưng qua khảo sát nhu cầu, Sở TT&TT sẽ xử lý linh động số lượng theo nhu cầu thực tế.

"Sở TT&TT TP.HCM đã đề nghị cấp bổ sung giấy đi đường cho các đơn vị để tạo điều kiện hoạt động và tác nghiệp trong giai đoạn hiện nay", ông Từ Lương nói.

Những đối tượng không cần Giấy đi đường


Người đi tiêm vacxin; đại diện cơ quan, doanh nghiệp đi nộp, nhận, đổi Giấy đi đường; người đi làm CCCD…

Người có vé máy bay di chuyển ra sân bay (kèm 01 người chở và 1 phương tiện, người chở chụp lại vé máy bay, giấy tờ liên quan để di chuyển từ sân bay về lại nhà).

Lực lượng y tế; nhân viên nhà thuốc có giấy tờ chứng minh chuyên môn dược và chứng minh về nơi làm việc.

Người đi xét nghiệm Covid-19, phải có lộ trình di chuyển từ nhà đến nơi xét nghiệm phù hợp.

Các cá nhân, phương tiện chở oxy, thuốc men, vật tư thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khi có các giấy tờ chứng minh như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận chuyên môn, hợp đồng vận chuyển hàng hóa...

Nhân viên vận chuyển gas cho phép lưu thông trong phường hoặc phường liền kề với yêu cầu: chở theo bình gas (loại 12kg trở lên) và giấy bán hàng thể hiện địa chỉ giao hàng và địa chỉ cửa hàng.

Nhân viên vệ sinh môi trường và nhân viên vệ sinh môi trường thu gom rác dân lập được phép di chuyển khi lưu thông đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Người có quan hệ với bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện: số lượng 01 người, di chuyển phù hợp tuyến đường từ nhà đến bệnh viện.

Thành viên tổ bay các hãng hàng không (phi công, tiếp viên..); các phi công thực hiện chuyến bay huấn luyện.

Nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đang thực hiện làm việc "3 tại chỗ" tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phép di chuyển thay ca làm việc thời gian lưu thông từ 12h đến 14h hàng ngày.

Người thân đi chăm sóc cha mẹ già đang ở một mình, bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà một mình: có giấy xác nhận của UBND xã phường hoặc cơ quan y tế.

Luật sư tham gia tố tụng được lưu thông khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng (hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan tố tụng gửi Văn phòng luật sư, kèm văn bản phân công luật sư của Văn phòng luật sư), khi lưu thông phải có các yếu tố nhận diện: thẻ luật sư trùng với giấy tờ trên; Kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.