Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sau phẫu thuật, người bị ung thư dạ dày khỏi bệnh trên 90%

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) phối hợp cùng Hội Ung thư Dạ dày châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị Ung thư dạ dày lần thứ 9 với chủ đề “Điều trị ung thư dạ dày: Giải pháp và tiến bộ”, với 1 ngày chương trình tiền hội nghị (truyền hình trực tiếp 3 trường hợp phẫu thuật nội soi cắt dạ dày).

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức tại Việt Nam

Hội Ung thư dạ dày châu Á - Thái Bình Dương là hiệp hội lớn nhất về ung thư dạ dày tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua hội nghị, nhiều kết quả nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày mới đã được công bố, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2006 tại Singapore, hội nghị tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần và là diễn đàn khoa học uy tín dành cho các bác sĩ chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Ngoại tổng quát, Ung bướu, Hóa trị ung thư, Nội soi, Sinh học phân tử và nhân viên y tế. Năm 2023, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức hội nghị này.

TS BS. Võ Duy Long – Chủ tịch Hội Ung thư Dạ dày Châu Á - Thái Bình Dương, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM phẫu thuật nội soi dạ dày.

TS BS. Võ Duy Long – Chủ tịch Hội Ung thư Dạ dày Châu Á - Thái Bình Dương, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM phẫu thuật nội soi dạ dày.

Với chủ đề “Điều trị ung thư dạ dày: Giải pháp và tiến bộ”, Hội nghị năm nay có sự tham gia báo cáo của các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ và nhà nghiên cứu là các chuyên gia đầu ngành trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị cập nhật nhiều vấn đề mới, gắn liền với thực hành lâm sàng điều trị ung thư dạ dày thông qua 170 bài báo cáo, thu hút hơn 500 đại biểu của 17 quốc gia tham dự trực tiếp.

Tại hội nghị, nhiều báo cáo khoa học trong và ngoài nước đã được trình bày, trong đó nổi bật là các báo cáo về những bước tiến trong việc sử dụng công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Các chuyên đề về hiệu quả của phối hợp đa mô thức trong điều trị ung thư giai đoạn muộn cũng là một điểm nhấn của hội nghị.

Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực hệ vi sinh vật dạ dày và sinh học phân tử đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới trong việc cá nhân hóa điều trị ung thư dạ dày cho người bệnh.

Đặc biệt, các chuyên gia đã mổ thị phạm, truyền hình trực tiếp 3 trường hợp phẫu thuật nội soi cắt dạ dày bao gồm cắt phần xa, cắt gần toàn bộ và cắt phần gần với kỹ thuật phục hồi lưu thông kiểu Double-Flap có sử dụng chất phát huỳnh quang Indocyanine green (ICG). Việc sử dụng ICG giúp tăng tỷ lệ xác định chính xác vị trí hạch, góp phần nạo vét triệt để các tế bào ác tính hiệu quả hơn.

Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, chẩn đoán và theo dõi tái phát ung thư dạ dày giai đoạn sớm

Trong khuôn khổ hội nghị, Giáo sư Nunobe - Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Ariake Nhật Bản và ê-kíp của TS, BS Võ Duy Long - Chủ tịch Hội Ung thư Dạ dày châu Á - Thái Bình Dương, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM đã mổ thị phạm kỹ thuật nội soi phục hồi lưu thông tiêu hóa kiểu Double-Flap cho người bệnh N.T.N. (56 tuổi, ngụ tại Quảng Nam). Đây là một trong những kỹ thuật được mổ thị phạm, truyền hình trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đánh giá người bệnh phục hồi tốt, tỷ lệ khỏi bệnh trên 90%.

Cụ thể, người bệnh đến khám tại bệnh viện địa phương trong tình trạng đau vùng bụng trên. Kết quả nội soi phát hiện khối u ở chỗ nối giữa thực quản và dạ dày. BS CKII. Nguyễn Viết Hải - Khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM cho biết, đây là vị trí khó trong điều trị ung thư dạ dày. Để khỏi bệnh hoàn toàn, người bệnh cần được phẫu thuật. Phương pháp thường được sử dụng thời gian trước đây là cắt toàn bộ dạ dày, ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống sau mổ, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng. Một phương pháp khác cũng được sử dụng để điều trị cho ung thư giai đoạn sớm ở vị trí này là cắt nửa phần trên dạ dày. Tuy nhiên, nối lại thực quản và dạ dày sau khi cắt là một thách thức, do khi phẫu thuật cơ tâm vị có chức năng chống trào ngược đã được bỏ đi, nếu thực hiện nối đơn giản trực tiếp thực quản vào dạ dày thì có tỷ lệ cao người bệnh bị trào ngược, một số trường hợp nặng gây khó khăn khi ăn uống và ảnh hưởng đến việc nằm ngủ. Do vậy, Nhật Bản đã phát triển kỹ thuật tạo van chống trào ngược khi nối lại thực quản vào dạ dày, có tên gọi Double-Flap hay phương pháp nối Kamikawa.

Các phiên mổ thị phạm được truyền hình trực tiếp.

Các phiên mổ thị phạm được truyền hình trực tiếp.

Sau khi hội chẩn đánh giá người bệnh phát hiện ung thư giai đoạn sớm, các bác sĩ quyết định thực hiện cắt bán phần trên dạ dày, phục hồi lưu thông tiêu hóa kiểu Double-Flap có tái tạo van chống trào ngược hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi. Đây còn được gọi là phẫu thuật bảo tồn chức năng khi vừa điều trị khỏi bệnh, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc áp dụng phẫu thuật giúp tỷ lệ khỏi bệnh cao, người bệnh không bị trào ngược, đảm bảo dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phẫu thuật nội soi giúp người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện sau một tuần theo dõi.

Tại Việt Nam, BV ĐHYD TPHCM triển khai kỹ thuật này từ tháng 4/2018. Đến nay, khoa Ngoại Tiêu hóa đã phẫu thuật cho hơn 20 trường hợp. Kết quả cho thấy, phẫu thuật an toàn, tỷ lệ khỏi bệnh cao. Đa số người bệnh bảo toàn được chức năng tiêu hóa, chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi và phòng ngừa tái phát. Khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM cũng đã tham gia báo cáo và có những bài báo khoa học về kỹ thuật này, được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.

Bên cạnh đó, khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM cũng đã thành công bước đầu khi ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong chẩn đoán sớm và theo dõi, phát hiện tái phát sau điều trị ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, việc điều trị đa mô thức, sử dụng các phương pháp hóa trị mới cũng đã được áp dụng. Đây là những xu hướng chung không chỉ trong điều trị ung thư dạ dày mà còn trong điều trị các bệnh lý ung thư khác, là chủ đề rất được quan tâm và được cập nhật, thảo luận tại Hội nghị Ung thư dạ dày lần thứ 9 - Hội Ung thư Dạ dày châu Á - Thái Bình Dương năm nay.

TS BS. Võ Duy Long chia sẻ, hội nghị năm nay với quy mô quốc tế và được tổ chức tại Việt Nam đã góp phần củng cố, nâng tầm vị thế của y học nước nhà. Nhiều bài báo cáo, bài nghiên cứu chất lượng của các báo cáo viên trong nước đã được trình bày tại Hội nghị. Với nhiều chuyên đề thiết thực mang tính cập nhật cao, Hội nghị Ung thư dạ dày lần thứ 9 không chỉ mang đến cơ hội để các bác sĩ trong nước và quốc tế trao đổi kiến thức, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị bệnh mà còn tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho những người bệnh đang chiến đấu với căn bệnh này. Hội nghị đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng cho bạn bè quốc tế.