Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sẽ đề nghị ban hành Nghị định để quản lý lao động đường biên

(Dân sinh) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại Phiên họp thứ 46 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sáng 13/7…

Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 94 lượt ý kiến và thảo luận tại Hội trường với 17 lượt ý kiến. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngoài 14 nội dung tại 17 điều, khoản trong báo cáo, Thường trực Ủy ban đã rà soát tiếp thu, chỉnh lý, còn có 23 điều khác ở tất cả các chương của dự thảo Luật và phụ lục, cùng các góp ý về kỹ thuật lập pháp sẽ được Thường trực Ủy ban phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 78 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bỏ 2 Điều và bổ sung 1 điều mới.

Sẽ đề nghị ban hành Nghị định không đầu để quản lý lao động đường biên - Ảnh 1.

Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật

Luật chỉ điều chỉnh lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành cao với những nội dung tiếp thu, giải trình; đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các Bộ, ngành hữu quan đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9 vừa qua để hoàn thiện Dự án Luật.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đều cho rằng cần hướng rộng thêm về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể là không chỉ vấn đề đưa lao động giản đơn mà cần đề cập đến vấn đề đưa lao động chất lượng cao, chuyên gia làm việc tại các nước trên thế giới, học sinh đi học ở lại nước ngoài làm việc cũng như việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi họ từ nước ngoài trở về…

Về vấn đề lao động đường biên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, thực tế lao động làm việc theo hình thức tự do, không hợp đồng xảy ra không chỉ xã vùng biên giới, mà ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Ông Chiến đề nghị cần bổ sung nguyên tắc người lao động đi lao động ở nước tiếp giáp chứ nếu "khuôn" trong phạm vi khu vực các xã vùng biên giới là không đầy đủ, đồng thời, đề nghị Chính phủ giải trình rõ về nội dung này.

Sẽ đề nghị ban hành Nghị định không đầu để quản lý lao động đường biên - Ảnh 2.

Chủ nhiệm UB đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Luật cần đề cập đến vấn đề đưa lao động chất lượng cao, chuyên gia làm việc ở nước ngoài

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cần chú ý rằng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật là những người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn lao động tự do như lao động đường biên, thăm thân, du học hay các chuyên gia đi làm việc ở các nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau, không phải quy định theo Luật này. "Những đối tượng này cũng cần phải có cơ sở pháp lý để quản lý, nhưng Luật này chỉ áp dụng với lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chứ đi du lịch rồi ở lại làm việc hay vụ 39 người chết trong container ở Anh không thuộc đối tượng của Luật này, đó là lao động bất hợp pháp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quy định vốn chủ sở hữu không mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp

Liên quan đến quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải tán thành với việc duy trì Quỹ này nhưng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính, tránh trùng lặp với nhiệm vụ của doanh nghiệp, cơ quan  quản lý nhà nước và tạo sức ép cho người lao động vì phải đóng góp cao…

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, 6/8 nhiệm vụ của Quỹ là ở trong nước, 2 nhiệm vụ bảo hộ người lao động ở nước ngoài sẽ rất khó khăn khi thực hiện. Do vậy, khi Chính phủ quy định văn bản hướng dẫn thì phải có cơ chế rất cụ thể trong trường hợp lao động bị ốm đau, tai nạn hay xảy ra thiên tai địch họa, thủ tục thế nào… văn bản hướng dẫn phải làm rất rõ để hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Sẽ đề nghị ban hành Nghị định không đầu để quản lý lao động đường biên - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm về vấn đề lao động đường biên

Về quy định vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, một số đại biểu cho rằng, trong quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ có quy định về vốn điều lệ, đưa vốn chủ sở hữu vào Luật này liệu có "vênh" với Luật Doanh nghiệp?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Luật Doanh nghiệp quy định vốn điều lệ do doanh nghiệp tự khai báo, còn vốn chủ sở hữu là vốn duy trì thường xuyên và chúng ta kiểm soát được. Đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp  phải chịu trách nhiệm đến cùng, quy định vốn chủ sở hữu là ràng buộc pháp lý để đảm bảo nếu như xảy ra vấn đề gì thì nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp sử dụng vốn này để xử lý, hỗ trợ người lao động… "Về bản chất, quy định này rất cần cho cơ quan quản lý nhà nước và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động", Bộ trưởng nhấn mạnh.  

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong Luật Kế toán có rất nhiều loại vốn: vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu… Việc quy định vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp không mâu thuẫn gì với Luật Doanh nghiệp mà là để nhà nước quản lý doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Sẽ đề nghị ban hành Nghị định không đầu để quản lý lao động đường biên

Làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan đến lao động đường biên, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao bàn rất nhiều lần về vấn đề này. Lao động đường biên hiện nay không chỉ ở biên giới phía Bắc mà còn cả Lào, Cam phu chia, Thái Lan… "Việc qua người lao động lại ở biên giới là thường xuyên, có trường hợp sáng đi tối về, có trường hợp vài tháng, cũng có khi vài năm. Số lao động này không chỉ ở khu vực biên giới mà ở rất nhiều tỉnh thành khác nhau như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình... Về bản chất, đây là di cư lao động tự do, không thể quy định trong Luật này được. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu về vấn đề này, sau khi Luật này được thông qua, nếu được thì xin TVQH cho phép ban hành Nghị định không đầu để quản lý đối tượng này".

Sẽ đề nghị ban hành Nghị định không đầu để quản lý lao động đường biên - Ảnh 4.

Toàn cảnh Phiên họp

Liên quan đến quy định giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về bản chất đó là đơn vị sự nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh trưc tiếp thành lập, do UBND tỉnh quản lý trực tiếp hoặc giao Sở LĐ-TB&XH quản lý. Hiện nay, các địa phương cũng đều đang giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm và Trung tâm này sẽ giúp UBND  tỉnh và Chủ tịch tỉnh thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Loại hình này thực tiễn đang diễn ra và chọn phương  này sẽ không phát sinh bộ máy mới, chủ yếu là giao thêm nhiệm vụ, toàn bộ ngân sách do UBND tỉnh cấp và không thu kinh phí của người lao động.

Về quy định doanh nghiệp chỉ được phép thành lập không quá 3 chi nhánh, Bộ trưởng cho biết, sở dĩ năm 2006 chúng ta đặt ra quy định 3 chi nhánh, có nhiều lý do nhưng có một lý do là vì điều kiện đi lại lúc đó khó khăn, để 3 chi nhánh ở 3 miền Bắc Trung Nam để doanh nghiệp và người lao động tiện giao dịch, tạo điều kiện cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thuận lợi. "Qua 12 năm thực hiện cho thấy, thực tiễn những doanh nghiệp làm tốt đều không thành lập chi nhánh và sai sót thời gian qua chủ yếu ở các chi nhánh. Tình trạng mua đi bán lại, môi giới, thu lạm phí đều diễn ra ở đây. Nhiều địa phương cũng đề nghị siết lại và hiện nay điều kiện đi lại rất thuận lợi rồi. Vả lại, lại đây không phải là quy định mới mà đang hiện hữu trong luật hiện hành, do đó chúng tôi đề nghị vẫn giữ quy định này", Bộ trưởng nói.