Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sẽ đề xuất Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động

(Dân sinh) - Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp sáng nay 9/5 do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư từ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, hệ lụy rất lớn của doanh nghiệp là nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt, thì chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được khôi phục trở lại. 

Thấu hiểu khó khăn đó, Bộ trưởng đưa ra thông tin làm yên lòng giới doanh nghiệp, sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về vấn đề này, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư từ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. 

"Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ", Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH thông tin. 

Về phương thức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, sẽ đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp và trực tiếp các hoạt động của doanh nghiệp cũng như quá trình triển khai các hoạt động, đồng thời doanh nghiệp sẽ trực tiếp cấp chứng nhận. 

"Đây là những vấn đề rất lớn Bộ xin trình với Thủ tướng, trình với Chính phủ và Bộ sẽ triển khai sau khi có quyết định của Thủ tướng", Tư lệnh Đào Ngọc Dung thông tin.  

Thích ứng tình hình mới, duy trì sản xuất, việc làm cho người lao động

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định thời gian tới, doanh nghiệp vẫn chưa thể khắc phục ngay, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp. 

Hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ…

Tuy thế, "cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất - kinh doanh và việc làm cho người lao động", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh như vậy, người đứng đầu ngành KH&ĐT đặt câu hỏi lớn: "Cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến "nguy" thành "cơ"?"

Để minh chứng, ông Nguyễn Chí Dũng nêu, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. 

Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược", là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. "Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế", Bộ trưởng nhấn mạnh.  

Khẳng định điều doanh nghiệp mong mỏi nhất hiện nay, là Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách, hơn là "hỗ trợ bằng tiền", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ vàng, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng".

Hành động nhanh, mạnh hơn, hỗ trợ doanh nghiệp chớp thời cơ ‘vàng” - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Nhanh 1 ngày DN sống, chậm 1 ngày DN có thể không còn

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá rất cao những phản ứng kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để ứng phó với dịch bệnh.

Ông Lộc cũng cho biết, VCCI đã gửi báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên 100 sáng kiến và kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan "cần thúc đẩy thực thi các chính sách, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ một cách thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các các gói hỗ trợ đã được ban hành".

"Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống; chậm một ngày có thể doanh nghiệp sẽ không còn. Lúc ấy, mọi biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích lợi," Chủ tịch VCCI nhấn mạnh thêm.

Liên quan đến các đề xuất về hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về tài chính, Hội nghị lần này cũng ghi nhận nhiều đề xuất, kiến nghị từ các Bộ, ngành, hiệp hội.

Trong kiến nghị gửi tới Hội nghị, ông Trương Đình Hoè – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thuỷ sản Việt Nam với gần 700 nhà máy quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất gia đình quy mô nhỏ -  gắn liền với sinh kế của hàng triệu nông - ngư dân trên toàn quốc đã chịu tác động tiêu cực trong 2 tháng qua. 

Bởi dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và tác động mạnh tại các quốc gia là thị trường chính tiêu thụ thuỷ sản của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, theo VASEP, trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hậu Covid-19.

Ban hành và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động. Bởi, thiếu lao động đang là mối lo ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất-tiêu thụ thủy sản…

Để chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, các Bộ, ngành tại Hội nghị đã đưa ra nhiều quyết sách làm an lòng doanh nghiệp. 

Ở điểm cầu Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu 4 nhiệm vụ cần triển khai. Thứ nhất, khơi thông thị trường thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại; Thứ hai, rà soát cùng địa phương để tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thương mại, tạo kích cầu lớn hơn, tạo động lực lớn hơn cho tăng trưởng phục vụ phát triển thị trường trong nước; 

Thứ ba, theo ông Trần Tuấn Anh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thứ 4, phát triển thông qua gói kích cầu tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầu và tiềm năng phát triển, đặc biệt gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. 

"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các Hiệp hội ngành hàng xây dựng các gói chính sách để báo cáo Thủ tướng", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng 

Cũng tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định sẽ cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng.  Đối với một trong các đề xuất mà VCCI kiến nghị, Thống đốc cũng căn cứ  tình hình sẽ điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cao hơn so với kế hoạch đầu năm. Ngân hàng Nhà nước xem xét chủ trương kéo dài thời gian giãn nợ trong thời gian tới. 

Về việc áp dụng Thông tư 01, ông Hưng cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập đoàn công tác đến các địa phương để nắm tình hình và xử lý phát sinh. Thực hiện trên phương châm bằng chính nguồn lực của ngân hàng từ tiền gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp nên yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn vốn vay. 

Để tạo động lực, chung tay cùng doanh nghiệp trước những khó khăn, Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chính sách miễn, giảm bốn loại thuế… 

Đối với thuế TNDN, mức thuế suất áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ là 15%; thuế suất với doanh nghiệp nhỏ giảm còn 17% và miễn 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp từ hộ kinh doanh chuyển lên. 

Ước tính nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đồng thời thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm. 

Không bàn lùi, nói suông nói rồi để đó. Không nản chí, cần nghĩ lớn, làm lớn

Tại "Hội nghị Diên hồng" sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật, cần tập trung 5 mũi giáp công: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, trước hết tư nhân; thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích đầu tư công và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Để đạt được mục tiêu đó, ông đề nghị, các ngành ở Trung ương, 63 tỉnh, thành ở các địa phương, các doanh nghiệp dành thời gian phát biểu quý giá để hiến kế cho Chính phủ.

Hội nghị bắt buộc phải có kết quả cụ thể, "không nói suông, không nói rồi để đó". Theo Thủ tướng, ngoài sự phấn đấu của các doanh nghiệp, người dân, thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng.

"Các bộ, ngành phải xắn tay áo vào", Thủ tướng nêu rõ, trong công việc không phải "quyền anh, quyền tôi" lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu dân Việt Nam.

Theo người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cần nghĩ lớn, làm lớn đừng sợ thất bại, có ước mơ và hành động, biến ước mơ thành hành động.

Sau thời gian chống dịch bệnh, đây là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp Việt, nên nếu không biết tận dụng, nắm bắt thì doanh nghiệp FDI sẽ lấy mất. Ông dẫn chứng 4 tháng đầu năm cam kết FDI đạt 12 tỉ USD, tăng trở lại và cao hơn so với năm trước, cho thấy đầu tư của FDI tốt.

Để đạt mục tiêu 2020 còn khó khăn, song theo Thủ tướng, những lúc khó khăn là thể hiện bản sắc dân tộc, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Khó khăn không phải thứ sinh ra để đánh bại chúng ta mà để đánh bại nó. Người đứng đầu Chính phủ trích dẫn hai câu trong bài "Tự khuyên mình" của Bác Hồ: Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân" như lời động viên, khích lệ tới doanh nghiệp.