Quay lại Dân trí
Dân Sinh

SiSiCallCall - kết nối hỗ trợ người khiếm thị một cách dễ dàng hơn

SiSiCallCall cho phép kết nối người khiếm thị với những người không khuyết tật xung quanh, từ đó cung cấp dịch vụ giúp người khiếm thị giải quyết các công việc hàng ngày một cách dễ dàng hơn.

Các tình nguyện viên và các bạn khiếm thị đăng kí tham gia chương trình thử nghiệm trong buổi gặp mặt tại Hà Nội.

Các tình nguyện viên và các bạn khiếm thị đăng kí tham gia chương trình thử nghiệm trong buổi gặp mặt tại Hà Nội.

Với mong muốn hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng người khiếm thị, một nhóm sinh viên đến từ Hàn Quốc đã cùng xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động với tên gọi SiSiCallCall cho phép kết nối người khiếm thị với những người không khuyết tật xung quanh, từ đó cung cấp dịch vụ giúp người khiếm thị giải quyết các công việc hàng ngày một cách dễ dàng hơn. Cuối tháng 7/2022, dự án này đã được nhóm sinh viên Hàn Quốc mang tới Việt Nam và thử nghiệm trên ứng dụng Zalo.

Bạn SeungJi, Trưởng nhóm thực hiện dự án cho biết: Ứng dụng được ra đời và đi vào thử nghiệm từ tháng 5/2021 khi các bạn có cơ hội tham gia chương trình phát triển những doanh nghiệp xã hội do Ngân hàng Hàn Quốc tài trợ.

“Tại Hàn Quốc có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật, trong đó có 10% là người khiếm thị. Mỗi người khiếm thị sẽ nhận được trung bình 120 giờ hỗ trợ trong một tháng, nhân viên công tác xã hội sẽ đến hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, đưa người khiếm thị đi siêu thị hoặc làm công việc họ cần, người khiếm thị chỉ việc trả 20% tổng số tiền, số còn lại do Chính phủ chi trả. Ngoài ra, ứng dụng SiSiCallCall ra đời ở Hàn Quốc còn mang lợi ích cho người về hưu, có nhiều thời gian rảnh”, SeungJi cho hay.

Các tình nguyện viên được tập huấn kĩ năng hỗ trợ người khiếm thị trong định hướng di chuyển.

Các tình nguyện viên được tập huấn kĩ năng hỗ trợ người khiếm thị trong định hướng di chuyển.

Đối với việc sử dụng SiSiCallCall, người khiếm thị sẽ đăng ký một dịch vụ họ mong muốn được hỗ trợ lên ứng dụng. Sau đó ứng dụng sẽ chuyển yêu cầu đó đến những người không khiếm thị ở gần đó. Người không khiếm thị nào có thể cung cấp được dịch vụ thì sẽ xác nhận trên ứng dụng, sau đó họ có thể liên kết với nhau và cung cấp dịch vụ.

Chia sẻ về cơ duyên đưa dự án đến Việt Nam, SeungJi cho biết: trước đây SeungJi cũng đã đến Việt Nam hai lần để du lịch và  cô thấy đường sá Việt Nam có rất nhiều phương tiện giao thông cá nhân, trên vỉa hè lại có khá nhiều chướng ngại vật. Do đó, SeungJi tự đặt câu hỏi, với thực trạng giao thông như vậy thì người khiếm thị sẽ ra ngoài di chuyển như thế nào. Với suy nghĩ đó, nhóm bắt đầu phỏng vấn những người khiếm thị và nhận thấy rằng, họ rất mong muốn có một dự án kết nối người khiếm thị với người không khiếm thị ở Việt Nam.

Niềm vui của một bạn trẻ khiếm thị  khi vừa được  hỗ trợ thành công với yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

Niềm vui của một bạn trẻ khiếm thị khi vừa được hỗ trợ thành công với yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

Tại Việt Nam, nhóm đã tiến hành thử nghiệm hoạt động kết nối thông qua mạng xã hội Zalo. Theo đó, 10 người khiếm thị  đăng kí tham gia chương trình thử nghiệm đã được kết nối với nhóm tình nguyện viên thông qua mạng xã hội zalo để  được yêu cầu trợ giúp các hoạt động trong đời sống hàng ngày như: Đi siêu thị, khám bệnh, giao dịch ngân hàng hay giải quyết các thủ tục hành chính.

Để tham gia hỗ trợ người khiếm thị, trên 20 tình nguyện viên của dự án phải trải qua một khóa đào tạo ngắn về kĩ năng giao tiếp cũng như việc hỗ trợ người khiếm thị trong định hướng di chuyển. Chỉ trong 1 tuần, đã có 16 đơn yêu cầu được hỗ trợ thành công.

Theo SeungJi, hiện tại hướng phát triển của nhóm dự án đó là một ứng dụng trả phí, có nghĩa là người khiếm thị sẽ trả phí cho dịch vụ mà họ yêu cầu. Về lí do tại sao nhóm dự án không để dịch vụ này là một dịch vụ tình nguyện hoặc miễn phí, bởi  dự án mong muốn dịch vụ có thể phát triển một cách bền vững không chỉ ở Hàn Quốc mà trong tương lai sẽ là ở Việt Nam.