Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Số ca mắc COVID-19 trong nước tăng 10 ca so với ngày trước

Theo Bộ Y tế, ngày 15/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 866 ca nhiễm mới đều ở trong nước (tăng 10 ca so với ngày trước) tại 43 tỉnh, thành phố (784 ca trong cộng đồng).

Theo Bộ Y tế, Hà Nội vẫn nhiều nhất nhưng lần đầu sau nhiều tháng số mắc mới của thành phố đã dưới 150 ca/ngày (148 ca); riêng Hải Phòng tăng vọt số ca mắc, lên 124 ca, đứng thứ 2 sau Hà Nội. 41 tỉnh, thành còn lại có từ 1 - 43 ca COVID-19, trong đó hơn 20 tỉnh, thành ghi nhận dưới 10 ca/ngày.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 768 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.734.151 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.378 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.726.385 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.373), TP. Hồ Chí Minh (609.720), Nghệ An (485.135), Bắc Giang (387.643), Bình Dương (383.792).

Tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi 9.574.270 ca. Hiện đang điều trị, giám sát 1.116.798 trường hợp, với 72 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 64; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4; Không xâm lấn: 1; Xâm lấn: 3. Như vậy, số ca COVID-19 nặng tăng thêm 19 ca so với ngày trước đó chỉ có 43 ca.

Theo Bộ Y tế, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch); đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; 

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa, miễn dịch do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững. 

Ngoài ra, có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng,… đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...

Do đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình Phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; sẵn sàng hành động, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, sẵn sàng kịch bản đáp ứng kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

Tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới...