Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Số ca nhiễm COVID-19 trong nước giảm 49 ca so với ngày trước đó

Theo Bộ Y tế, ngày 3/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.039 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 49 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 770 ca trong cộng đồng).

Thông từ Bộ Y tế cho biết, ngày 3/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.039 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 49 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 770 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn nhiều nhất với 230 ca, 45 tỉnh, thành còn lại số ca mắc mới từ 1- 80, trong đó 19 tỉnh, thành chỉ ghi nhận 1 ca mới/ ngày.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.044 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.723.673 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.303 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.715.915 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.601.198), TP. Hồ Chí Minh (609.474), Nghệ An (484.741), Bắc Giang (387.587), Bình Dương (383.781).

Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 9.486.806 ca Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.193.787 trường hợp, trong đó có 51 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 43; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2; Thở máy không xâm lấn: 1; Thở máy xâm lấn:3; Thở ECMO: 2.

Theo Bộ Y tế, số ca COVID-19 mắc mới, số nặng, số tử vong có xu hướng giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành phố, hiện ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày (thấp nhất trong hơn 10 tháng qua); riêng 5 ngày liên tiếp gần đây chỉ ghi nhận 0-1 ca tử vong trên toàn quốc và chỉ còn hơn 50 ca nặng đang điều trị (thấp nhất trong hơn 10 tháng qua).

Bộ Y tế nhấn mạnh vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, đề nghị các địa phuơng tập trung truyền thông về đẩy mạnh tiêm chủng; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân nâng cao sức khỏe; cảnh báo với các biến chủng mới; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19; không chủ quan sau khi mắc bệnh; Chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tại công văn về việc tăng cường khám, chữa bệnh thường quy và cho người sau khi mắc COVID-19 Bộ Y tế cho biết, một số người dân sau mắc COVID-19 xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.

Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân nói chung và người sau khi mắc COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc COVID-19 bằng việc:

- Thực hiện các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành;

- Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người có dấu hiệu, triệu chứng sau khi mắc COVID-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo cách tiếp cận đa khoa, chuyên khoa.

Trong đó, cần đặc biệt chú ý về lĩnh vực hô hấp, tim mạch, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng... bảo đảm các chỉ định phù hợp.

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) đã tổng kết trên 200 dấu hiệu của người sau mắc COVID-19. Nổi bật là các dấu hiệu cảnh báo cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế, tổn thương tại phổi như khó thở; mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ, các dấu hiệu về giọng nói sau đặt nội khí quản...