Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh

(Dân sinh) - TS.Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đến nay cho thấy, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận chuyên đề 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận chuyên đề 2

Ngay sau lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, sáng nay 18/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì Chuyên đề 02: "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững". Phiên thảo luận chuyên đề 2 có sự tham dự của GS.TS Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia

Trình bày tham luận “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, TS.Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực.

Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ.

"Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện", ông Đoan thông tin.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội nêu rõ, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là sự phục hồi chậm chạp của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tác động đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS. Lâm Văn Đoan cho rằng, xã hội hiện nay cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.

Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022.

Đồng thời cũng cần quan tâm đến việc tăng cường hiệu quả triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 , hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là các nhóm nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trên cơ sở những khuyến nghị, tư vấn của Tổ chức lao động quốc tế, đối với Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026, công tác xây dựng pháp luật cần quan tâm xây dựng khung thể chế thúc đẩy việc làm bền vững, cải cách/đổi mới hệ thống chính sách an sinh xã hội thông qua sửa đổi, bổ sung các Luật: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Việc làm, An toàn, vệ sinh lao động; nghiên cứu, rà soát hoàn thiện pháp luật về tố tụng lao động; bảo trợ xã hội; chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, người khuyết tật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan trình bày tham luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan trình bày tham luận

Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu bước vào phiên thảo luận bàn tròn tìm giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Đối với an sinh xã hội, TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: cho rằng, hiện chỉ có 8% lao động ở các khu công nghiệp có nhà ở, còn lại sống bấp bênh. Do đó, cần xây nhà công nhân, xây nhà xã hội cho người lao động.

Đây là giải pháp căn cơ phát triển bền vững chứ không phải chỉ là hỗ trợ tiền thuê nhà tạm thời như giai đoạn vừa qua.

8 nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Để tiếp tục tạo điều kiện phục hồi kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI đã đề xuất 8 nhóm giải pháp lớn:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh.

Thứ hai, tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện  – một trong những chi phí đầu vào quan trọng của doanh nghiệp.

Thứ ba, có biện pháp tháp gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Thứ tư, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành đang phục hồi mạnh như ngành du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động. Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện goám sát chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực.

Thứ năm, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời của mô hình kinh doanh mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo đảm cân bằng hài hòa lợi ích các bên; bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh bằng cách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Thứ sáu, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cần cắt giảm một số thủ tục còn phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, lao động… nhằm bảo đảm yêu cầu hoạt động liên tục và khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Thứ bảy, cần có chương trình hành động cụ thể, thiết thực để nâng cao khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng sản xuất trong nước, xử lý vướng mắc chính sách liên quan quy tắc xuất xứ trong thực hiện các FTA.

Thứ tám, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp.

Liên quan đến thị trường lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tế tại Việt Nam cho thấy số người mất việc thấp, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhưng tỉ lệ người tham gia thị trường lao động cũng thấp. Một số ngành thiếu cục bộ lao động. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề phải chăng một bộ phận lao động đang khu trú ở đâu đó và chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động sau đại dịch.

Nhấn mạnh đây là vấn đề không chỉ cá nhân mình đặc biệt quan tâm mà cả các cơ quan đều cần tìm ra nguyên nhân, trả lời cho câu hỏi một bộ phận lao động đã đi đâu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng qua thảo luận, trao đổi nhận diện thêm vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu cũng là kết quả của Diễn đàn.

Liên quan đến thực hiện các gói chính sách hỗ trợ, ông Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh các nhóm chính sách gián tiếp, Việt Nam cũng thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với quy mô tương đối lớn như chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chi trực tiếp thông qua khoản trợ cấp Chính phủ và chính quyền địa phương...để chi hỗ trợ người lao động, nhóm người yếu thế, người có thu nhập thấp... 

Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, ở đây cần đánh giá tỉ trọng phương pháp hỗ trợ không chỉ đơn thuần là đánh giá theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 mà đặt trong tổng thể các giải pháp đã áp dụng từ đầu 2022 đến nay, cũng như các chính sách ban hành từ cuối 2021 và thực hiện trong năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề cần đánh giá kĩ lưỡng hơn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở mức độ nào đó phù hợp với Việt Nam.