Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Số người mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng, ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ chuẩn bị vượt Brazil

Toàn thế giới đã ghi nhận đến sáng 6/9 có trên 27 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 882.300 người đã tử vong vì đại dịch này.

Nguồn thôngg tin từ VTV.vn, tại Mỹ hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với trên 6,4 triệu ca mắc và hơn 192.700 người tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 33.600 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, khi đó, tại Brazil, hơn 4,1 triệu người đã mắc COVID-19, trên 126.000 trường hợp tử vong vì đại dịch. Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận số ca mắc mới tương đối thấp với hơn 22.000 người.

Ngày 5/9, Ấn Độ thông báo có thêm hơn 90.000 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ là 4,1 triệu trường hợp, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil. Như vậy, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Ấn Độ tăng thêm 1 triệu ca chỉ trong 13 ngày, nhanh nhất thế giới. Với chiều hướng lây lan dịch bệnh này, số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Ấn Độ sẽ nhanh chóng vượt Brazil.

Số người mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng khi ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ chuẩn bị vượt Brazil - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm

Sau khi áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, nhà chức trách Hàn Quốc đã thông báo tín hiệu tích cực khi số ca nhiễm mới trong ngày qua tại nước này ở mức thấp nhất trong 3 tuần nay. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 168 ca mắc COVID-19, trong đó có 158 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, tổng số người nhiễm bệnh tại Hàn Quốc hiện là trên 21.000 trường hợp, trong đó có 333 bệnh nhân tử vong.

Trong khi đó, Indonesia đã ghi nhận thêm hơn 3.100 ca mắc COVID-19 và 108 trường hợp tử vong, đưa tổng số người nhiễm bệnh và tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên lần lượt là hơn 190.600 người và trên 7.900 bệnh nhân. Có 4 tỉnh không ghi nhận ca nhiễm nào gồm Jambi, Bangka Belitung, Trung Kalimantan và Bắc Maluku.

Cũng trong ngày 5/9, Philippines thông báo phát hiện thêm hơn 2.500 ca mắc COVID-19 và 53 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận hơn 234.500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.790 trường hợp tử vong.

Tại Thái Lan, tỉnh Phangnga đã trở thành địa phương đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này tái áp đặt các biện pháp y tế nghiêm ngặt sau khi có thông tin về ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong hơn 3 tháng và sự bùng phát dịch bệnh ở nước láng giềng Myanmar. Hiện Thái Lan đã ghi nhận trên 3.400 ca mắc COVID-19, trong đó 58 người đã không qua khỏi.

Số người mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng khi ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ chuẩn bị vượt Brazil - Ảnh 2.

Hình ảnh tại Thái Lan

Ngày 5/9, Ukraine, Slovakia đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ukraine thông báo, nước này đã ghi nhận thêm hơn 2.800 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên trên 133.700 trường hợp. Do số ca mắc tại Ukraine liên tục tăng trong thời gian gần đây, nước này đã ban hành lệnh cấm tạm thời người nước ngoài nhập cảnh cho đến ngày 28/9, đồng thời kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến cuối tháng 10. Slovakia thông báo có thêm 226 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên hơn 4.500 ca. Hiện Slovakia là một trong những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất châu Âu.

Tại Trung Đông, ngày 5/9, Iran đã mở cửa trường học đón 15 triệu học sinh khai giảng năm học mới sau 7 tháng đóng cửa. Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Iran là hơn 384.600 trường hợp, trong đó có trên 22.100 người thiệt mạng vì dịch bệnh.

Thông tin từ báo tin tức: Một nghiên cứu mới đây chỉ ra các xét nghiệm COVID-19 có thể chọn những virus chết không còn lây nhiễm hoặc lây truyền, từ đó kéo theo cho kết quả 'dương tính giả' mặc dù bệnh nhân đã hồi phục.

Nhóm các chuyên gia đã tìm hiểu dựa trên 25 nghiên cứu trước đó về xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase được sử dụng để xác định xem một người có virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không. Quá trình xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase lấy mẫu từ một trường hợp nghi ngờ bị COVID-19 và sử dụng một phương thức làm tăng lượng ADN hoặc vật liệu di truyền trong mẫu để xác minh.

Nghiên cứu chỉ ra ra rằng các xét nghiệm chỉ có ý nghĩa sàng lọc, nghĩa là chỉ phát hiện có virus hay không chứ không thể biết được virus đó còn sống hay đã chết hoặc mức độ hoạt động và khả năng lây nhiễm.

Giáo sư Carl Heneghan, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho hay nguyên nhân trên có thể giải thích tại sao số ca mắc COVID-19 tại Anh vẫn tăng lên nhưng số trường hợp nhập viện và tử vong lại đang chững lại.

"Bằng chứng cho thấy có những ca nhiễm mới với triệu chứng nhẹ và những người tái dương tính sau khi cách ly hoặc đã được xuất viện không gây lây nhiễm. Đơn giản chỉ là cơ thể họ vẫn chứa những hạt virus đã chết và vô hại mà trước đó đã bị hệ miễn dịch tiêu diệt", Giáo sư Heneghan viết trên tạp chí The Spectator.

Giáo sư Heneghan kêu gọi cần "nỗ lực toàn cầu" để tránh trường hợp "cách ly người không bị nhiễm hoặc phong tỏa cả một cộng đồng". Ngày 4/9, Anh xác nhận có thêm 1.940 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất suốt hơn 3 tháng qua tại Anh. Số ca dương tính trong ngày trung bình tuần qua tại Anh là 1.530 người. Mặc dù vậy, các nhà khoa học Anh cho biết số lượng xét nghiệm tăng vọt và số ca nhập viện tiếp tục giảm dự báo làn sóng COVID-19 thứ hai sẽ không xuất hiện tại quốc gia này. Tính đến 7h ngày 6/9, Anh ghi nhận tổng cộng 344.164 ca mắc COVID-19, trong đó có 41.549 trường hợp tử vong.