Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Số người nhập viện do kiến ba khoang tăng đột biến

Khoảng 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhân đến khám với các triệu chứng bỏng, rát vùng da sau tiếp xúc với kiến ba khoang tăng đột biến. Mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận gần 100 bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Theo VTV, ThS.BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đến khám rải rác quanh năm. Tuy nhiên, gần đây, lượng bệnh nhân đến khám với các triệu chứng bỏng, rát vùng da sau tiếp xúc với kiến ba khoang tăng đột biến. Mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận gần 100 bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang.

ThS.BS Quách Thị Hà Giang cho biết thêm: Rất nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi các tổn thương lan rộng, chảy nước, đau nhức… sau khi đã tự điều trị mà không đỡ. Nhiều trường hợp còn nhầm lẫn với zona thần kinh, sử dụng các loại lá để đắp lên vết thương, dẫn đến tổn thương không giảm mà tăng nặng hơn và lan ra các vị trí khác.

Số người nhập viện do kiến ba khoang tăng đột biến - Ảnh 1.

Số người nhập viện do kiến ba khoang tăng đột biến. Ảnh minh họa, nguồn ảnh internet.

Vnexpress cũng đưa tin, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều từ tháng 9 đến hết tháng 11, đặc biệt là tại các địa phương có tình trạng thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều. Kiến ba khoang gây bệnh không phải đốt mà do dịch tiết ra, dính vào da gây viêm da tiếp xúc tại chỗ. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn mà chỉ tổn thương tại da.

Dù vậy, độc tố này có thể gây những biến chứng nặng. Bệnh nhân có thể bị tổn thương lan tỏa vùng lân cận, sốt, khó chịu toàn thân, gây bội nhiễm da, tăng sắc tố sau viêm. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Điều trị muộn, tổn thương da có thể để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Độc tố của chúng dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

Khi phát hiện có kiến ba khoang, nên đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm để xử lý, tuyệt đối không chà sát, đập kiến để dịch độc tiết ra. Khi lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, cần lập tức rửa dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng nhằm giảm nhẹ độc tố. Tổn thương nhẹ (chấm đỏ) thì bôi kem đặc trị. Tổn thương nặng hơn, xuất hiện mụn mủ, lan rộng thì cần đến viện chuyên khoa da liễu điều trị.

"Tuyệt đối không đắp lá, đắp các bài thuốc chưa được kiểm chứng hoặc bôi thuốc sát trùng có chứa i-ốt, cồn sẽ làm vết thương nặng thêm, tăng nguy cơ bội nhiễm", bác sĩ Giang khuyến cáo.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng. Khi môi trường mật độ kiến ba khoang nhiều, phun thuốc diệt kiến tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua, diệt chúng.