Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Số trẻ mắc COVID-19 tại Mỹ tăng 72% trong 2 tuần, giằng co cuộc chiến chống dịch ở Bắc Kinh

Đến 6h ngày 25/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 528.679.927 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.303.127 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 572.691 và 1.264 ca tử vong mới.

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 528.679.927 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.303.127 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 572.691 và 1.264 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 499.093.576 người, 23.283.224 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 37.991 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 54.198 ca; Australia đứng thứ hai với 42.759 ca; tiếp theo là Mỹ (37.832 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 182 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil với 178 ca và Đức 141 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 85.152.708 người, trong đó có 1.029.308 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.141.200 ca nhiễm, bao gồm 524.490 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.778.815 ca bệnh và 665.905 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 195,6 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 154,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 100,68 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,4 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12,1 triệu ca và châu Đại Dương trên 8,44 triệu ca nhiễm.

Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một vườn thú ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 18/5/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN.

Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một vườn thú ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 18/5/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN.

VTV cũng đưa tin, mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA có thể giúp tăng nồng độ kháng thể và phản ứng miễn dịch của tế bào T cao hơn so với mũi thứ 3. Đây là dữ liệu cuộc thử nghiệm được công bố mới đây tại Anh.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với 166 người trưởng thành đã tiêm mũi thứ ba vaccine mRNA của hãng Pfizer-BioNTech sau khi hoàn thành liều cơ bản với vaccine cùng loại hoặc vaccine công nghệ vector của hãng AstraZeneca. Những người này được lựa chọn ngẫu nhiên để tiêm mũi thứ tư vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna (công nghệ mRNA). Một nửa số người tham gia thử nghiệm trên 70 tuổi và thời gian trung bình kể từ mũi tiêm thứ ba là 7 tháng.

Kết quả cho thấy, hai tuần sau mũi tiêm thứ tư, nồng độ kháng thể chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2 cao gấp đôi nồng độ kháng thể được tạo ra ở thời điểm 4 tuần sau mũi tiêm thứ 3. Nồng độ kháng thể sau mũi thứ tư của vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna là tương đương.

Trong khi đó, phản ứng miễn dịch từ tế bào T tăng mạnh sau 14 ngày kể từ mũi vaccine mRNA thứ 4, nhanh hơn so với 28 ngày sau mũi thứ 3. Tuy nhiên, kết quả này chỉ ghi nhận ở những tình nguyện viên đã tiêm 3 mũi đầu tiên vaccine của Pfizer-BioNTech và mũi thứ tư là vaccine của Moderna.

(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

 

Ngành du lịch của vùng lãnh thổ Yukon (Canada) đang háo hức trước thông tin lần đầu tiên kể khi đại dịch COVID-19 bùng phát, biên giới cực Bắc của nước này sẽ mở cửa lại vào ngày 1/6 tới. Tuyến biên giới này là một con đường để “kết nối gia đình”, đặc biệt là đối với cộng đồng thổ dân First Nation tại địa phương. Vì vậy, mở cửa biên giới cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc duy trì văn hóa và lịch sử của địa phương.

Ngày 24/5, Triều Tiên không ghi nhận trường hợp tử vong mới nào trong số các ca sốt, lần đầu tiên kể từ khi nước này phát hiện đợt bùng phát COVID-19 gần 2 tuần trước. Đồng thời, giới chức Triều Tiên cho biết, số trường hợp bệnh nhân liên quan đến dịch COVID-19 đang có xu hướng giảm "ổn định". Triều Tiên cho biết, nước này đã "thành công" trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và không có trường hợp tử vong do sốt mới nào được báo cáo tính đến tối 23/5, mặc dù có thêm 134.510 bệnh nhân mới.

Triều Tiên đã không xác nhận tổng số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thay vào đó, Bình Nhưỡng báo cáo số bệnh nhân có các triệu chứng sốt. Theo đó, tổng số trường hợp sốt tính từ cuối tháng 4 đến nay ở nước này đã tăng lên 2,95 triệu ca, trong khi số người tử vong là 68, theo KCNA.

Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca lần đầu tiên trong 4 tháng qua. Hàn Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron dần suy yếu.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thông báo, nước này ghi nhận 9.975 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 vừa qua. Số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện điều trị cũng giảm xuống còn 225 người. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc ở ngưỡng 200.

Theo số liệu cập nhật tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 23/5, số người tiêm đủ liều 2 mũi vaccine tại nước này là 166,9 triệu người, trong khi mục tiêu bao phủ vaccine là hơn 208 triệu người. Hiện Indonesia ghi nhận trên 6,05 triệu ca mắc COVID-19, 156.548 trường hợp thiệt mạng.

Số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày tại Bắc Kinh vẫn tăng. (Ảnh: AP)

Số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày tại Bắc Kinh vẫn tăng. (Ảnh: AP)

 

Trong khi dịch COVID-19 trên toàn Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm trong tuần qua, với tổng số ca nhiễm mới hàng ngày đã xuống dưới 1.200, cuộc chiến chống dịch tại thủ đô Bắc Kinh của nước này vẫn đang trong tình thế giằng co. Mặc dù giới chức Bắc Kinh đã áp đặt nhiều biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhưng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại đây đã tăng lên đỉnh mới vào hôm 22/5 vừa qua, khiến giới chuyên gia y tế phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh hơn.