Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sóc Trăng tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về tai nạn lao động

Xác định công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLÐ), những năm qua, các cấp công đoàn tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho NLÐ… Qua đó, góp phần thúc đẩy việc sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ 2022 (tháng 5) với chủ đề tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ban Thường vụ LÐLÐ tỉnh Sóc Trăng quyết tâm tổ chức nhiều hơn các hoạt động có ý nghĩa vì NLÐ. Theo kế hoạch, cùng với hàng loạt chuỗi hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NLÐ, các cấp công đoàn thành phố sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông về ATVSLÐ; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh, kiểm tra công tác ATVSLÐ trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, tại Sóc Trăng,  có hơn 3.800 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 56.000 lao động. Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm chết 3 người, giảm 50% so với năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp chưa cao, do tâm lý chủ quan, bất cẩn của người lao động trong quá trình làm việc. Mặc dù số vụ tại nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh đã giảm, tuy nhiên, Sóc Trăng đã và đang nỗ lực tiếp tục kéo giảm hơn nữa số vụ tai nạn lao động, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Công nhân lao động tham dự Tháng an toàn VSLĐ.

Công nhân lao động tham dự Tháng an toàn VSLĐ.

Nhằm kéo giảm tình trạng xảy ra tai nạn lao động trong thời gian tới, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ tỉnh đề nghị các tổ chức Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến người lao động; chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của công nhân. các doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên tinh thần “Sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất”.

Các tổ chức Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến người lao động.

Các tổ chức Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến người lao động.

Đối với người lao động cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022 theo tinh thần Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ Công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập Quốc tế”; quan tâm công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động đến cấp xã, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, các làng nghề, các Hợp tác xã/Tổ hợp tác để tạo sự lan toả trong cộng đồng về công tác an toàn vệ sinh lao động. 

“Công tác đảm bảo ATVSLĐ, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và sự phát triển trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, quan tâm đến ATVSLĐ cũng có nghĩa là quan tâm trực tiếp đến sức khỏe người lao động, đó là tài sản quý giá của doanh nghiệp và xã hội”, bà Diễm Ngọc đề nghị.

Người lao động tham gia tập huấn ATVSLĐ (ảnh: internet).

Người lao động tham gia tập huấn ATVSLĐ (ảnh: internet).

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ tỉnh Sóc Trăng cho biết, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. Có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và sự phát triển của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như hộ gia đình. Vì vậy, quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động cũng có nghĩa là quan tâm trực tiếp đến người lao động, tài sản của doanh nghiệp và xã hội. Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của nền kinh tế tỉnh nhà.