Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sơn La: Giải bài toán hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động trở về sau dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng nghìn lao động của tỉnh Sơn La làm việc ở nhiều địa phương trên cả nước đã chọn giải pháp trở về quê. Khi về, nhiều lao động mong muốn tìm việc làm, ổn định đời sống tại quê nhà. Do đó, bài toán an sinh xã hội, việc làm cho người trở về đang được các địa phương từng bước tháo gỡ.

Vay vốn giúp người dân phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống

Gia đình anh Hoàng Văn Chung, bản Lo, xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn) cả vợ và chồng đi làm công nhân xưởng mộc tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng. Do dịch bệnh nên vợ chồng anh không có việc làm, trở về địa phương từ tháng 4, làm lao động tự do, ai thuê việc gì cũng làm, thu nhập bấp bênh. Anh Chung chia sẻ: Chúng tôi mong muốn được vay vốn để đầu tư sản xuất. Thông qua ủy thác của Hội Nông dân, tháng 9 vừa qua, gia đình được vay 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm; tôi đã đầu tư mua cây cà phê giống về trồng thêm 2.000 m², nâng tổng diện tích cây trồng của gia đình lên 8.000 m² cây cà phê xen cây ăn quả nhãn, xoài.

Còn gia đình ông Tòng Văn Thủy, bản Lâu, xã Chiềng Mung có con trai trong độ tuổi lao động đi làm tại tỉnh Đắc Nông cũng trở về địa phương do dịch bệnh không có việc làm. Ông Thủy cho biết: Gia đình được vay 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm đã đầu tư mua thêm 400 cây nhãn, xoài giống và phân bón để chăm sóc cây trồng thay thế diện tích cà phê đã cằn, cỗi. Hai bố con cùng chăm nom vườn cây, tranh thủ truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả cho con trai hy vọng sau này không phải đi làm ăn xa nữa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người lao động từ các vùng dịch trở về địa phương đang gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn đây là những lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nên khi trở về địa phương rất cần sự hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn, cho biết: Các tổ tiết kiệm và vay vốn đã rà soát, tổng hợp và đề xuất với Phòng Giao dịch về 80 trường hợp người lao động trở về địa phương có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách. Chúng tôi đang xem xét cân đối, giải ngân nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; với người lao động thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo ưu tiên hoàn thiện hồ sơ giải ngân vốn vay trong thời gian sớm nhất. Từ đầu năm đến nay, đã giải ngân gần 8 tỷ đồng cho 179 hộ được vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015, trong đó có những hộ thuộc đối tượng người lao động đi làm ăn xa trở về địa phương hoặc gia đình có người lao động đi làm việc ngoại tỉnh trở về địa phương.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin thị trường lao động, việc làm, kết nối cung – cầu lao động

Những ngày qua, Phù Yên là một trong những địa phương có số lao động từ các tỉnh trở về nhiều nhất. Thống kê chưa đầy đủ, từ 5/10 đến nay, các lực lượng đã tiếp nhận hơn 2.000 công dân và người lao động, chủ yếu từ các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM trở về. Sau khi tiếp nhận, phân loại, sàng lọc, các công dân được bố trí, sắp xếp về cách ly ở các khu cách ly khác nhau từ huyện đến các xã, bản. Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết, các công dân và người lao động sau khi hết thời hạn cách ly sẽ được hướng dẫn về nơi cư trú để tiếp tục theo dõi sức khỏe cho ổn định. Về phương án đảm bảo đời sống cho các lao động này,  huyện sẽ hướng dẫn họ tập trung sản xuất, canh tác trên diện tích nương, ruộng hiện có, cũng như đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm… Với những lao động có nhu cầu quay trở lại các khu công nghiệp ngoài tỉnh để làm việc, bởi chúng ta hiện đã bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huyện sẽ tiếp tục có những hướng dẫn, kết nối, đảm bảo để họ có việc làm, thu nhập.

Tại huyện Thuận Châu, trong số hơn 21.000 lao động ra ngoài tỉnh làm thuê, hiện gần 12.000 người đã trở về địa bàn. Lực lượng lao động lớn, song phần lớn số này là lao động nông thôn, chất lượng lao động thấp, chủ yếu là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản, nên thu nhập thấp. Đặc biệt trong thời gian qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp, lao động mất việc làm, không có thu nhập nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết khó khăn trước mắt của người dân, ngoài thống kê, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ nguồn lực để phòng chống dịch nói chung và giúp đỡ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin thị trường lao động, việc làm, kết nối cung – cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động có việc làm sau khi tình hình dịch bệnh ổn định.

Thống kê trong toàn tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho biết, số lao động địa phương ra tỉnh ngoài làm thuê là hơn 110.000 người, hiện một nửa số này đã trở về địa phương sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, Chính phủ cũng đã ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngoài phối hợp với các địa phương hướng dẫn người lao động tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt để ổn định đời sống, hiện ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường kết nối cung - cầu lao động với các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh để người lao động địa phương có việc làm, thu nhập.

Đề cập quan điểm nên giữ người lao động ở lại địa phương, hay khuyến khích họ đi làm việc ở tỉnh ngoài, ông Nguyễn Mạnh Du nói: “Hiện nay trong lúc tỉnh chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động để người dân có thể yên tâm làm ăn trên quê hương thì trong ngắn hạn, tỉnh xác định vẫn phải cho người lao động ra tỉnh ngoài làm việc. Trước mắt cũng giải quyết được khó khăn về việc làm và thu nhập cho họ. Về lâu dài, Sơn La xác định đẩy mạnh đào tạo nghề để người lao động ổn định cuộc sống tại địa phương, tránh các rủi ro về thu nhập, việc làm như dịch Covid-19 hiện nay”.

Ông Du cho biết, định hướng lâu dài, Sơn La xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà máy chế biến lớn… để tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh đó là nhân rộng các mô hình hiệu quả để người dân ổn định đời sống, sản xuất trên chính quê hương của mình, bởi như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro về thu nhập, việc làm do tác động của các yếu tố bên ngoài, như dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

ĐK
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ