Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần kích cầu du lịch

(Dân sinh) - Ngành du lịch sẽ tạo lập hệ sinh thái du lịch với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, sự kết hợp cần thiết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền và các bên liên quan; dự kiến hành động cần thiết cũng như cam kết từ các doanh nghiệp.

Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và Phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” được tổ chức ngày 21/5, với kỳ vọng, các ý tưởng táo bạo, đề xuất cụ thể sẽ mang tới cho thị trường du lịch một kế hoạch hành động thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Phiên thảo luận đầu tiên xác định xu hướng du lịch của người Việt và những vấn đề đặt ra trong phục hồi du lịch sau giãn cách xã hội, cân nhắc cách làm, đề xuất giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa. 

Phiên thứ hai đề cập đến kinh nghiệm, mô hình của một số nước/vùng lãnh thổ để cân nhắc các giải pháp đón đầu du lịch quốc tế cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, các bên liên quan sẽ đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét các chính sách liên quan đến việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, du lịch... trên cơ sở song phương.

Để các giải pháp trong kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thực sự có tính khả thi, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19”. Hội nghị diễn ra ngày 21/5/2020 với sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, lữ hành, khách sạn cùng một số chuyên gia.

Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã tiến hành khảo sát trong 3 tuần, có 5 xu hướng thấy rõ của người Việt Nam sau giãn cách xã hội. 

Xu hướng đầu tiên chiếm trên 50%, sẵn sàng đi du lịch trở lại. Xu hướng thứ 2, ưu tiên cho sự an toàn cùng ưu đãi. Nhóm thứ 3, muốn du lịch biển và thiên nhiên. Thứ 4 có thể lựa chọn tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè. Thứ 5, xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp, giải pháp số, cụ thể: 14% đặt tour qua công ty; 62,1% muốn đi tự túc.

Phó Chủ tịch điều hành Công ty TNHH tập đoàn BIM Đoàn Thị Thanh Mai nhận định: Đây là cơ hội thay đổi cách nhìn nhận của người Việt Nam với thị trường du lịch nội địa. Bởi lẽ, vài năm trở lại đây, nhiều nước trong khu vực có chính sách nới lỏng, miễn visa với khách du lịch Việt Nam. Nhiều khách nhận định đi du lịch quốc tế còn rẻ hơn nội địa, lại hấp dẫn, dịch vụ tốt hơn. Bà Mai cũng đề xuất, cần có thông điệp rõ ràng và có chuẩn hoá “An toàn du lịch”

Ông Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh yếu tố “làm mới ngành du lịch cũ” và “phục hồi ngành du lịch là khởi đầu cho ngành kinh tế khác”. “Tôi đề nghị "cứu" ngành du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành. Chúng tôi hoàn toàn có quyền yêu cầu giáo dục lùi thời gian học trở lại. Chúng ta không bàn chuyện nghỉ học lâu thế là đúng hay sai nhưng tôi nghĩ nên kéo dài kỳ nghỉ hè để kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chiến lược cụ thể, không chỉ xoay quanh việc hạ giá, tránh làm hàng giả... Đây là dịp để tái cấu trúc nền du lịch”, ông Trần Đình Thiên nói.

Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu du lịch - Ảnh 2.

"Cứu" ngành du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành - nhiều đại biểu nêu quan điểm trong Hội nghị.

Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chúng ta lại chưa chứng minh được vai trò của mình. Chúng ta chưa đưa ra được chỉ tiêu, con số cụ thể để tạo được điểm nhấn, sự thu hút nhất định. Bộ VH-TT&DL nên suy tính để thay đổi vì cấu trúc cũ lẻ tẻ, không có liên kết, kết nối doanh nghiệp kém. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần kết hợp với Bộ GD&ĐT.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam nêu thực tế, du lịch sống dựa vào khách, khi chưa có khách thì không thể tính chuyện kích cầu. Phải làm sao để có khách, để ngành du lịch “sống lại”…, việc này phải nhanh và quyết liệt từng ngày.

Ngay bây giờ dù còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp khó có thể kết hợp với nhau nhưng chúng ta phải làm, song song là chọn điểm kích cầu là những nơi hàng không Việt Nam có đường bay - nơi nào có sân bay khởi động ngay chương trình kích cầu ngay. "Phải liên minh kích cầu làm sao trong 2 tháng khôi phục hoạt động du lịch, sau 4 tháng hồi phục, cuối năm trở lại như cũ, như vậy mới triển khai được du lịch quốc tế", Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Thời điểm để các tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện vai trò dẫn dắt

Việc phục hồi du lịch cần nhiều hành động cụ thể, cần kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn để mang tính cộng hưởng, lan toả. Đây là thời điểm các tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện vai trò dẫn dắt. Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu ngành. Việt Nam có nhiều lợi thế khi kiểm soát thành công Covid-19, được các nước đánh giá cao. Chúng ta cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông và kết quả hiện tại để quảng bá hình ảnh và nâng cao hiệu quả du lịch Việt Nam.