Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sức tàn phá kinh khủng của bão số 9 tại Quảng Ngãi - Phú Yên

(Dân sinh) - Sáng 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng... bắt đầu có gió giật mạnh, mưa lớn hàng trăm căn nhà bị bị sập, tốc mái.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, sáng 28/10, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, bão số 9 đã giảm đi 1 cấp.

Do ảnh hưởng của bão, tại Bình Châu (huyện Bình Sơn) đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Lượng mưa 12 giờ qua (từ 19 giờ ngày 27/10 đến 7 giờ ngày 28/10) phổ biến trong khoảng 60-100mm ở vùng đồng bằng, vùng núi lượng mưa từ 80-160mm, có nơi trên 200mm. TTXVN đưa tin.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, dự kiến ngày và đêm 28/10 có mưa rất to, tổng lượng mưa dự báo trong khoảng 150-350mm; đề phòng có lũ ống, lũ quét và sạt lở ở vùng núi, cửa sông ven biển, nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp, cửa sông, đầm phá ven biển; đề phòng khả năng xảy ra lũ lớn trên các sông trong tỉnh.

Để đảm bảo an toàn, Điện lực Quảng Ngãi tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng.

Sức tàn phá kinh khủng của bão số 9 tại Quảng Ngãi - Phú Yên - Ảnh 1.

Trường học ở Quảng Ngãi bị tốc mái

Theo thống kê ban đầu, tỉnh Quảng Ngãi đã có 314 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng, trong đó thị xã Đức Phổ là 300 nhà, Trà Bồng 10 nhà và Sơn Tây 4 nhà.

Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Đức Phổ cho biết, hiện nay gió và mưa rất mạnh. Cơn bão số 9 đã gây thiệt hại khá nặng về tài sản trên địa bàn.

Theo thống kê sơ bộ,  bão số 9 đã làm 447 nhà dân ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hàng trăm cây xanh đường phố bị gãy đổ. Bão đã làm mất điện chủ động và bị động trên diện rộng với 360 xã, trong đó có 160 xã ở Quảng Ngãi.

Tại thành phố Quảng Ngãi, hiện nay gió rất mạnh kèm theo mưa lớn. Trên các tuyến đường, cây cối bị gãy cành, một số công trình nhà dân bị tốc mái. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, trên các tuyến đường chính hầu như không có người qua lại.

Tại Đà Nẵng: 

Sáng nay, tại thành phố Đà Nẵng gió bắt đầu giật mạnh. Đặc biệt, tại các tuyến đường ven biển gió mạnh, mưa to, sóng biển cao khoảng 3-5m. Các cây cầu đều bị chặn, cấm người đi qua; một số khu vực có cây đổ ngã; vật dụng, bảng biển quảng cáo bị gió thổi bay, phá hỏng.

Sức tàn phá kinh khủng của bão số 9 tại Quảng Ngãi - Phú Yên - Ảnh 2.

 Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết, trong tối và đêm 27-10, các quận, huyện đã sơ tán 90.161 người dân đến nơi trú bão an toàn. Trong đó, quận Sơn Trà sơ tán tại chỗ đến các nhà kiên cố an toàn trong khu dân cư, nhà người thân, bà con, hàng xóm... 1.805 người; sơ tán đến nơi tập trung như trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... 402 người. Huyện Hòa Vang sơ tán tại chỗ 12.907 người và sơ tán tại nơi tập trung 5.216 người.

Quận Liên Chiểu có số lượng người sơ tán lớn nhất vì tập trung nhiều khu nhà trọ công nhân và sinh viên, không bảo đảm an toàn, với 47.725 người sơ tán tại chỗ và 5.242 người sơ tán đến các nơi tập trung. Quận Ngũ Hành Sơn sơ tán 2.977 người.

Trong sáng nay, người dân chấp hành khá nghiêm lệnh cấm ra đường, phố phường vắng vẻ. Tuy nhiên cũng có một số người ra đường đã được công an yêu cầu quay trở về nhà để đảm bảo an toàn.

Tại các điểm hai bên cầu sông Hàn, cầu Rồng, Thuận Phước, Trần Thị Lý được công an canh gác kỹ lưỡng, không cho bất kỳ phương tiện nào qua lại, trừ xe chống bão, cấp cứu.

Đến 7h50 đã có nhà bị tốc mái tôn, ngoài ra, đã xảy ra vụ nổ trạm biến áp ở các khu dân cư ven biển Nguyễn Tất Thành, quận Liên Chiểu.

Tại Bình Định:

Do ảnh hưởng của bão số 9, lực lượng cứu hộ vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá ở Bình Định đang mắc kẹt ngoài khơi.

Ban Chỉ đạo tiền phương cho biết, lực lượng cứu nạn vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá của Bình Định bị mất tích. Hiện có 2 tàu kiểm ngư ra hỗ trợ kéo tàu, tìm kiếm ngư dân. Đặc biệt, ở khu vực Cảng Quy Nhơn, một vài chủ tàu cá đang neo đậu hiện vẫn có mặt tại đây để trông giữ tài sản.

Sức tàn phá kinh khủng của bão số 9 tại Quảng Ngãi - Phú Yên - Ảnh 3.

Ban Chỉ đạo tiền phương cho biết, lực lượng cứu nạn vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá của Bình Định bị mất tích

Bão số 9 đang áp sát vào đất liền, toàn tỉnh trên đang có lượng mưa lớn. Khu vực huyện Hoài Nhơn đang ngập nặng và có nhiều điểm sạt lở. Riêng tại TP.Quy Nhơn, gió mạnh khiến cây xanh trên các tuyến đường bị quật đổ. Mực nước biển khoảng 0,5-1m. Hơn 2.000 người dân tại khu vực nguy hiểm đã được lực lượng chức năng đưa đến nơi cư trú an toàn.

 Giám đốc Đài khí tượng cao không, Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực trạm ra đa Quy Nhơn (Bình Định) ghi nhận có gió giật mạnh. Toàn bộ mái nhà tầng 2 này bị bay tốc mái. Nước tràn vào các phòng gây mất điện. Hiện tại cán bộ trạm ra đa này đang phải tìm cách khôi phục để làm việc trở lại.

Trưa 28/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đến 9 giờ sáng cùng ngày, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 người bị thương trong bão số 9.

Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Ngà (47 tuổi, ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, TX.An Nhơn, Bình Định) và ông Trần Vân (53 tuổi, ở thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân).

Ngoài ra, tỉnh Bình Định có 1 nhà sập (nhà của ông Nguyễn Văn Thọ, ở thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn) và 2 nhà ở TP.Quy Nhơn bị tốc mái.

Sức tàn phá kinh khủng của bão số 9 tại Quảng Ngãi - Phú Yên - Ảnh 4.

Sức tàn phá khủng khiếp của bão số 9

Đến 6 giờ sáng 28.10, tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Định đều bị mất điện.

Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết có 2.190 tàu cá vào khu neo đậu tránh trú bão số 9, trong đó cảng cá Quy Nhơn có 550 tàu, cảng Đề Gi 150 tàu và cảng cá Tam Quan 1.490 tàu.

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 9 có trục ở khoảng 13 - 16 độ vĩ Bắc, nên từ đêm 27 đến ngày 29.10, khu vực tỉnh Bình Định sẽ xảy ra nhiều đợt mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm/đợt, có nơi trên 300 mm.

Lượng mưa lớn sẽ làm cho mực nước trên các sông trong tỉnh dao động và xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các con sông ở khu vực thượng nguồn có khả năng ở mức báo động II - III, hạ lưu các sông ở mức báo động I - II và trên báo động II. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các huyện: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt ở những vùng trũng thấp, vùng ven hạ lưu các sông, khu nội thành đô thị. Theo 

Tại Phú Yên: 

Đến 8h sáng nay, Phú Yên có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, gió giật mạnh. Tại các tuyến phố chính của thành phố Tuy Hòa như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Nguyễn Công Trứ, nhiều cây xanh đã bị bật gốc, một số mái tôn, biển hiệu quảng cáo, lều bạt của người dân bị gió thổi bay...

Sức tàn phá kinh khủng của bão số 9 tại Quảng Ngãi - Phú Yên - Ảnh 5.

Cây cối ngã đổ ở Tuy Hòa.

Tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, do gió to, một số cây xanh trồng dọc các tuyến đường liên xã bị ngã đổ, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa, thông đường tạo thuận lợi cho người dân lưu thông.

Do ảnh hưởng của bão, tại Phú Yên có gần 82.000 khách hàng bị mất điện tại các huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa. Hiện, điện lực Phú Yên đã khôi phục sự cố mất điện cho 23.773 khách hàng, còn 40/100 xã, phường, thị trấn với 58.200 khách hàng đang mất điện. Theo Người lao động.

Sức tàn phá kinh khủng của bão số 9 tại Quảng Ngãi - Phú Yên - Ảnh 6.

cúp điện trên diện rộng các tỉnh miền Trung

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, có khả năng chia cắt kéo dài nhiều ngày; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân và khách du lịch ven biển.

Các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông, nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho vùng hạ du hồ chứa, điều tiết xả lũ hợp lý; đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, triều cường; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục kịp thời các sự cố do bão, lũ gây ra.