Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tai nạn lao động - nỗi đau thương mất mát của nhiều gia đình

(Dân sinh) - Tai nạn lao động đã khiến nhiều nạn nhân ra đi vĩnh viễn, những người còn sống bị mang thương tật suốt cuộc đời...; những người thân luôn mang nỗi đau mất mát.

Mới đây, ngày 14/5, vụ sập tường công trình xảy ra tại khu công nghiệp Giang Điển (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khiến 10 người tử vong, 14 người bị thương. Đằng sau mỗi chuyến xe cứu thương đưa thi thể nạn nhân về quê nhà an táng là một câu chuyện đầy đau đớn, xót xa về hoàn cảnh, cuộc sống của các gia đình các nạn nhân.

Trò chuyện với chúng tôi, anh P. anh trai của nạn nhân Dương Huỳnh Minh Nhật (19 tuổi, quê ở Tiền Giang) thất thần kể: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai anh em phải rời quên lên Đồng Nai tìm việc mưu sinh. Nhật xin vào làm thợ hồ mới được 2 ngày thì xảy ra tai nạn. Nhật ra đi là sự mất mát lớn nhất của gia đình".

Tai nạn lao động - nỗi đau thương mất mát của nhiều gia đình - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sập tường khiến 10 người tử vong, 14 người bị thương ở Đồng Nai. (Ảnh: Xuân Trường).

Không chỉ gia đình anh P. mà tất cả người thân của những nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động đều đau thương.

Đã 8 năm trôi qua kể từ ngày chi Phạm Thị Kim Nhung (sinh năm 1985, xã Bình Tâm, TP. Tân An) bị tai nạn lao động qua đời nhưng bà Nguyễn Thị Thê (mẹ chị Nhung) vẫn không kìm được nước mắt mỗi khi nghe ai đó nhắc đến tên con gái và hai đứa cháu ngoại. Bà Thê nghẹn ngào kể: "Nhung là đứa con hiếu thảo, lễ phép và siêng năng, một lòng vun vén cho gia đình. Vậy mà nó ra đi quá đột ngột, bỏ lại hai đứa con thơ dại, không ai chăm sóc.

Chị Nhung bị tai nạn lao động mất do té ngã trên cao khi đi làm hồ. Chị ra đi khi tuổi còn quá trẻ, bỏ lại 2 đứa con thơ dại, trong đó Nguyễn Phạm Thanh Trà (hơn 1 tuổi) và Nguyễn Phạm Hữu Phước (7 tuổi). Những ngày chị Nhung mới mất, hàng đêm cháu Thanh Trà vẫn khóc đòi mẹ dỗ dành.

Tai nạn lao động - nỗi đau thương mất mát của nhiều gia đình - Ảnh 2.

Chị Nhung bị tai nạn lao động để lại 2 đứa con thơ dại sống với bà ngoại.

Hữu Phước trải lòng: "Từ ngày mẹ mất, em luôn nhớ về kỷ niệm đẹp của gia đình, khao khát được gọi một tiếng mẹ. Nhìn bạn bè có gia đình đầy đủ, em cũng cảm thấy tủi thân. Thế nhưng làm sao thay đổi được sự thật khi mẹ đã ra đi mãi mãi. Bây giờ, em cần phải sống tự lập và thật nghị lực để chăm sóc ngoại và em gái".

Rồi đây khi bà Thê qua đời, tương lai của các em sẽ đi về đâu. Quả thật, tai nạn lao động đã cướp đi hạnh phúc của một gia đình, bỏ lại phía sau là những hệ lụy không hề nhỏ.

Rời gia đình bà Thê, chúng tôi đến gia đình bà Trần Thị Nga (ngụ xã Phước Tuy, huyện Cần Đước), mẹ của anh Nguyễn Thành Trung, công nhân Công ty TNHH Thép Tây Nam bị tử vong do tai nạn lao động vào ngày 29/2/2020. Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày anh mất, người mẹ ấy vẫn chưa chấp nhận được sự thật con mình mãi mãi ra đi.

Tai nạn lao động - nỗi đau thương mất mát của nhiều gia đình - Ảnh 3.

Mỗi khi nhớ đến người đã mất, gia đình chỉ biết lấy ảnh ra nhìn.

Với những người mẹ, người cha, không có đau đớn nào bằng cảnh "người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh". Bởi hơn hết, trong cuộc đời này, chỉ có cha mẹ là người thương mình vô điều kiện. Chồng bà Nga trải lòng: "Số phận con tôi chẳng may mắn, người thì cũng đã mất rồi. Điều tôi lo lắng nhất là sức khỏe vợ ngày càng yếu, cần phải nhập viện điều trị gấp. Trong khi đó, vợ tôi nhất quyết đợi con trai về mới chịu nhập viện, gia đình đã khuyên rất nhiều lần vẫn không được. Tôi không muốn đã mất con, nay còn phải mất thêm vợ".

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn. Song nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bị tai nạn lao động mà còn để lại nỗi đau dai dẳng cho người thân, gia đình khi nhận được tin dữ.

Để hạn chế những nỗi đau thương, sự mất mát người lao động cần phải tự bảo vệ mình, luôn đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh khi làm việc...