Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm, giải pháp hỗ trợ thị trường lao động hồi phục

Để tạo điều kiện cho thị trường lao động phục hồi bền vững, các cơ quan, đơn vị chức năng đã tăng cường kết nối cung - cầu, đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, trong quý I/2022, các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển khoảng 50.000 - 80.000 lao động. Nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong quý IV/2021, các đơn vị tuyển dụng, cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã đẩy mạnh hình thức tuyển dụng trực tuyến (online) để "làm ấm" dần thị trường lao động.

Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn) Đặng Thị Yến cho biết, các đơn vị tuyển dụng đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Trong tháng 12/2021, công ty đã tuyển dụng online được 5 công nhân với vòng sơ tuyển hồ sơ được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lựa chọn kỹ. Do vậy, khâu phỏng vấn theo hình thức trực tuyến cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Tăng cường kết nối cung cầu lao động tại hệ thống các Trung tâm DVVL

Tăng cường kết nối cung cầu lao động tại hệ thống các Trung tâm DVVL

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, bên cạnh việc kết hợp với các tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm online, Trung tâm cũng tổ chức phiên giao dịch việc làm đồng bộ trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, tạo điều kiện tốt nhất để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc của người lao động.

“Năm 2022, Trung tâm sẽ đồng bộ nghiệp vụ tại các điểm sàn, tiếp tục thực hiện các phiên giao dịch việc làm; đồng thời, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chú trọng cung cấp thông tin việc làm qua hình thức online, email, Facebook, Zalo, website của Trung tâm”, ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, dự kiến, cả nước cần bổ sung ít nhất 500.000 - 700.000 lao động, trong đó, thị trường Hà Nội cần bổ sung tối thiểu 100.000 lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường lao động phục hồi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết tăng giờ làm thêm tối đa từ 40 lên 60 giờ/tháng, tối đa không quá 300 giờ/năm nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do tác động của dịch Covid-19. Với người lao động, nếu có nhu cầu làm thêm, họ sẽ có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống.

Một chính sách khác vừa được Chính phủ phê duyệt là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Theo đó, những lao động đang làm việc được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, trong thời gian 3 tháng. Còn những lao động quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian 3 tháng. “Chính sách này được triển khai, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn, yên tâm gắn bó với công việc”, anh Hoàng Đình Nam - công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long đang phải thuê nhà trọ cho biết.

Bên cạnh đó, giải pháp hỗ trợ thị trường lao động phát triển bền vững tiếp tục được chú trọng triển khai là mở rộng tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động; tăng cường kết nối cung - cầu lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Từ nay đến cuối năm 2022, Hà Nội sẽ tổ chức hơn 200 phiên giao dịch việc làm; đồng thời tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 người theo sát nhu cầu của thị trường. Trên phạm vi cả nước, dự kiến hơn 2 triệu lượt người được đào nghề, hàng triệu lượt người được hỗ trợ giải quyết việc làm...

“Thị trường lao động hồi phục, phát triển theo hướng bền vững là yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, tất cả các bên cần chung tay thực hiện”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.