Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng cường kết nối, hỗ trợ cho người lao động tìm việc làm

(Dân sinh) - Thời gian qua, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, cũng như các phiên giao dịch việc làm trực tiếp do hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH đã được tổ chức thường xuyên, giúp kết nối cung cầu lao động trên các địa bàn các địa phương, liên thông giữa các vùng, miền tạo điều kiện cân bằng, ổn thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, đại dịch Covid-19 đã khiến 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc; lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900 nghìn người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành ngành công nghiệp chế biến chế, lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống

Về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, những khó khăn của thị trường lao động được thể hiện qua việc người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo tính toán sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2020 số người nộp hồ sơ hưởng TCTN là 565 ngàn người tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỷ đồng tăng gần 40% so với năm 2019.

Vùng Đông Nam Bộ là nơi có nhiều người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhất (hơn 200 ngàn người chiếm 37%); tiếp đến vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 100 ngàn người/vùng chiếm 18%); thấp nhất là Tây nguyên (15 ngàn người 2,6%).

Số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố nơi có thị trường lao động phát triển, nhiều khu công nghiệp – khu chế xuất như Thành phố Hồ Chí Minh (88.990 người), Bình Dương (49.297 người), Đồng Nai (33.317 người), Hà Nội (38.154 người),…

Số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến và du lịch (tại Đà Nẵng trong số 16.000 hồ sơ thì có tới 5.000 hồ sơ của lao động làm việc trong khách sạn, dịch vụ du lịch (chiếm 34,25%).

Tăng cường kết nối, hỗ trợ cho người lao động tìm việc làm - Ảnh 1.

Người lao động tham gia phỏng vấn xin việc tại Sàn giao dịch việc làm

Thời gian qua, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, cũng như các phiên giao dịch việc làm trực tiếp do hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH đã được tổ chức thường xuyên, giúp kết nối cung cầu lao động trên các địa bàn các địa phương, liên thông giữa các vùng, miền tạo điều kiện cân bằng, ổn thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Qua đó, giúp thị trường lao động cả nước từng bước đồng bộ, hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại các địa phương và trên cả nước.

Mới đây, trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Lào Cai, Bình Dương đã diễn ra phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương. Phiên giao dịch được thực hiện trên cơ sở sự chỉ đạo phối hợp chuyên môn giữa Cục Việc làm và 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố tham gia. Thông qua phiên giao dịch, các địa phương mở rộng được địa bàn tuyển dụng, cung ứng lao động, tư vấn, tuyển sinh,... đáp ứng nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp dần hướng tới cân bằng thị trường giữa các khu vực, vùng miền.

Phiên giao dịch đã thu hút 2.790 lao động và 250 cơ quan, doanh nghiệp tham dự với nhu cầu tuyển dụng 29.169 vị trí việc làm trống. Nhu cầu tuyển dụng trình độ Đại học, Cao đẳng tập trung vào các nhóm ngành, nghề như: quản lý điều hành, kỹ thuật, cơ khí, phiên dịch viên, công nghệ thông tin,... đối với trình độ trung cấp chủ yếu tập trung tuyển dụng ngành, nghề như: công xưởng, kỹ thuật viên, cơ điện tử, phiên dịch,... ngoài ra, chiếm phần lớn là nhu cầu lao động phổ thông. Sau đại dịch Covid – 19, các doanh nghiệp thiếu hụt nhiều lao động phổ thông, tập trung tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương,...

Kết quả tại phiên giao dịch, thông qua hình thức trực tuyến đã có 731 lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp tại các điểm cầu giao dịch, trong đó: 288 lao động trúng tuyển; 332 người được hẹn phỏng vấn lần 2. Thông qua phiên giao dịch, nhiều lao động đã được tư vấn các thông tin về việc làm qua đó, giúp người lao động hiểu rõ những thế mạnh, khả năng của bản thân trước yêu cầu của thị trường lao động để có kế hoạch đào tạo phù hợp trong thời gian tới.