Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(Dân sinh) - Với những hạn chế từ cả phía doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và ngành ngân hàng, việc tiếp cận vốn ngân hàng và cho vay DNNVV còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần được sớm tháo gỡ.

 
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” được NHNN tổ chức ngày 15/3, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện các DNNVV tiếp cận nguồn vốn chủ yếu qua các ngân hàng thương mại, chiếm tới 90%, trong khi đó việc tiếp cận vốn qua Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV vẫn còn rất nhiều vấn đề về cơ chế.

Mặc dù vậy, theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phản ứng kinh tế Trung ương, các DNNVV tiếp cần nguồn vốn chính thống chỉ chiếm khoảng 25%, còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.

Về nguyên nhân khó tiếp cận vốn của các DNNVV, theo bà Bùi Thu Thủy, hiện quy mô vốn bình quân của các DNNVV rất thấp, chỉ khoảng 10-20 tỷ đồng nên việc cân đối để đánh giá năng lực tài chính rất khó. Bên cạnh đó, các DNNVV không có tài sản thế chấp nên cũng cần thời gian nâng cấp hoàn thiện minh bạch hệ thống sổ sách kế toán.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nêu thực trạng, với đặc thù 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, mà với tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cần được giãn nợ, hoãn nợ, nếu không có thể dẫn đến phá sản.

“Lợi nhuận từ kinh doanh hiện nay không thể đủ trả nợ, nhất là khi DNNVV có sức cạnh tranh rất kém so với các tập đoàn lớn. DNNVV không dám vay, dẫn đến khả năng mở rộng quy mô của sản xuất, kinh doanh là không có”, bà Hà nhấn mạnh.

Từ những khó khăn nêu trên, đại diện Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng có thể linh hoạt cho DNNVV vay những gói tín dụng nhỏ. Ngoài ra, các ngân hàng đề xuất đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh; đồng thời cần có chỉ đạo từ phía NHNN về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của DNNVV, phương án sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn, ngân hàng thương mại có thể cho vay tín chấp nhưng mọi tài khoản phải mở ở ngân hàng đó để kiểm soát dòng tiền, các giao dịch mua, bán, thanh toán phải trả về thông qua ngân hàng.

Đặc biệt, đại diện cho cộng đồng DNNVV Thủ đô cho rằng, cần có những quy định cụ thể từ phía điều hành chính sách Nhà nước, như khi tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào thì yêu cầu phải tăng tỷ lệ cho vay DNNVV lên một mức cụ thể.

Cũng với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất, NHNN có thể đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng đưa ra điều kiện vay vốn cho DNNVV ở mức thấp hơn. Theo ông Thân, nếu các ngân hàng bị “bó” về mặt thể chế thì không thể đột phá.

DNNVV còn rất nhiều khó khăn

Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho thấy, kết quả bảo lãnh cho DNNVV thời gian qua còn thấp. Dư nợ tín dụng có bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng các địa phương tăng từ 411 tỷ đồng năm 2016 lên 648 tỷ đồng năm 2017, sau đó giảm dần qua các năm 2018 - 2022.

Tổng dư nợ có bảo lãnh của quỹ đến cuối tháng 2 chỉ đạt 261 tỷ đồng đồng và hiện chỉ có 2 NH phát sinh dư nợ là Agribank và Vietcombank.

Về nguyên nhân của tình trạng hoạt động kém hiệu quả trên, phía NHNN cho rằng do một số địa phương chưa cấp đủ vốn điều lệ cho quỹ theo quy định, hoạt động nhiều quỹ không hiệu quả, trình độ nhân lực còn hạn chế, nguồn thu hạn hẹp chủ yếu là lãi tiền gửi tại các NHTM.

Bên cạnh đó, phần lớn bảo lãnh của các quỹ này là bảo lãnh có điều kiện, quỹ được quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh nên có nhiều trường hợp quỹ bảo lãnh tín dụng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và xảy ra tranh chấp với các TCTD cho vay.

Thêm vào đó, nguyên tắc hoạt động của quỹ là phải bảo toàn vốn, trong khi hoạt động bảo lãnh là hoạt động có rủi ro, mức trích lập dự phòng rủi ro không đủ lớn để có thể thực hiện nghĩa vụ trả thay khi DNNVV không có khả năng trả nợ. Do vậy, lãnh đạo các quỹ thường ngại thực hiện bảo lãnh cho DNNVV.

Cũng theo đại diện NHNN, các quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước đến nay chưa phát sinh cho vay trực tiếp đối với DNNVV nên DNNVV chưa thể tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn này.

Mặt khác, khi tiếp cận nguồn vốn này gián tiếp qua các TCTD thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện cho vay của các NHTM thông thường, DNNVV phải chịu chi phí vốn cao hơn so với trực tiếp, thủ tục, hồ sơ phức tạp.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 28/2, quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước mới ký thỏa thuận giao vốn cho 6 NHTM (BIDV, MBBank, SHB, HDBank, Bac A Bank và Sacombank) với tổng số vốn chấp thuận cho vay của quỹ chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng và tổng số vốn đã giải ngân là khoảng 230 tỷ đồng.

Về phía các DNNVV, các DN này đã trả nợ gốc khoảng 100 tỷ đồng, số tiền lãi đã trả là khoảng 20 tỷ đồng và dư nợ hiện tại là khoảng 130 tỷ đồng.

Với những vấn đề doanh nghiệp nêu ra, tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nêu thực tế là các DNNVV còn rất nhiều khó khăn, do khách quan và chủ quan.

Trong đó, một điểm rất hạn chế của các DNNVV khi tiếp cận tín dụng là không có tài sản đảm bảo, vị thế uy tín, sản phẩm, thương hiệu, dòng tiền trên thị trường rất khó khăn. Hệ thống ngân hàng đã thực hiện rất nhiều những giải pháp tháo gỡ tuy nhiên cũng gặp những hạn chế.

Do đó, thông tin từ NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương…