Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng trách nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm thu thập giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ bồi thường chứ không phải là người tham gia giao thông. Đặc biệt doanh nghiệp bảo hiểm còn phải tạm ứng tiền bồi thường từ 10-70% mức trách nhiệm bảo hiểm.

Tăng trách nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đây là một nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo Nghị định có một loạt điểm mới, tháo gỡ tối đa những khó khăn vướng mắc hiện nay, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm đối với xe máy, lái xe và của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Đặc biệt, thủ tục bồi thường đơn giản hơn đối với chủ xe, còn ràng buộc trách nhiệm của DNBH cao hơn so với quy định hiện nay trong việc xác minh thiệt hại và bồi thường cho người tham gia giao thông khi không may xảy ra tai nạn.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết, thủ tục bồi thường đơn giản, tạo thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm. Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn, hồ sơ bồi thường mà chủ xe phải cung cấp là Giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng minh thư hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu; giấy chứng nhận bảo hiểm.

Trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì phải có bản sao giấy chứng nhận thương tích hoặc hồ sơ bệnh án, giấy báo tử của cơ sở y tế…; thiệt hại về tài sản thì có hóa đơn chứng từ về việc sửa chữa, thay mới tài sản.

“Chỉ duy nhất trường hợp vụ tai nạn gây tử vong thì hồ sơ bồi thường mới cần phải có tài liệu của cơ quan công an như biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có); thông báo sơ bộ hoặc kết quả điều tra vụ tai nạn. Tuy nhiên, DNBH phải có trách nhiệm thu thập các giấy tờ này chứ không phải là người mua bảo hiểm”, ông Phùng Ngọc Khánh khẳng định.

Còn với mức bồi thường bảo hiểm chỉ vài triệu đồng vụ tai nạn xe máy, ông Phùng Ngọc Khánh cho hay, người mua bảo hiểm vẫn cần những giấy tờ chứng minh thiệt hại chi phí sửa chữa phương tiện, hay hồ sơ bệnh án, chứng nhận thương tật của bệnh viện đối với người tham gia giao thông để làm căn cứ bồi thường bảo hiểm và tránh trục lợi bảo hiểm.

Nhưng để tạo thuận lợi, thay vì quy định cứng như hiện nay là 1 năm, thời hạn bảo hiểm sẽ được mở rộng tối thiểu là 1 năm, tối đa là 3 năm đối với xe máy; với ô tô thì tối thiểu là 1 năm còn tối đa tương ứng với thời hạn đăng kiểm.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của DNBH trong việc giám định cũng như bồi thường cho khách hàng. Cụ thể, khi xảy ra tai nạn, DNBH hoặc người được DNBH ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe, người lái xe và bên thứ ba giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

Một điểm mới đáng chú ý, đó là, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, DNBH phải tạm ứng bồi thường với thiệt hại về tính mạng và sức khỏe. Cụ thể với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 70% mức trách nhiệm bảo hiểm/người/vụ đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường bảo hiểm/người/vụ đối với trường hợp thương tật.

Còn với trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường hay không thì tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm/người/vụ đối với trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm/ người/vụ đối với trường hợp bị thương tật bộ phận được điều trị cấp cứu.

"Như vậy, trong lúc đang chờ xác định vụ tai nạn có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, DNBH đã phải tạm ứng bồi thường cho người thiệt hại do tai nạn giao thông. Con nếu xác định đúng vụ tai nạn được bảo hiểm mà có trường hợp tử vong thì trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận thông báo của bên mua bảo hiểm hay bên được bảo hiểm, DNBH phải tạm ứng bồi thường, theo mức trách nhiệm bảo hiểm hiện nay, số tiền này tương ứng 70 triệu đồng/người/vụ. Rõ ràng trách nhiệm của DNBH tăng lên rất nhiều", lãnh đạo cơ quan quản lý về bảo hiểm phân tích.

Dự thảo Nghị định mới yêu cầu DNBH phải thiết lập, duy trì đường dây nóng 24/7. Khi người tham gia bảo hiểm liên lạc, DNBH phải kịp thời hướng dẫn, giải đáp cho khách hàng, người được bảo hiểm các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Trường hợp nhận được thông báo về tai nạn, DNBH phải kịp thời hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; kịp thời thực hiện việc giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật.

Để thuận lợi trong việc thu thập giấy tờ cũng như thanh toán bồi thường, dự thảo nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra cung cấp bản sao các giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn giao thông trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của DNBH khi có kết luận điều tra.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo bằng văn bản hoặc hình thức điện tử cho DNBH. Thời hạn thanh toán bồi thường là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ bồi thường và không quá 15 ngày trong trường hợp phải xác minh hồ sơ.

Mức bồi thường cũng sẽ được tăng lên, trên cơ sở Nghị định được Chính phủ chấp thuận ban hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DNBH đánh giá lại mức trách nhiệm bảo hiểm hiện nay và nâng lên nhằm đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.

Mức trách nhiệm bảo hiểm hiện nay đối với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng/vụ tai nạn do ô tô gây ra và 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy gây ra.

Khi xảy ra tai nạn, người mua bảo hiểm đầu tiên là phải thông báo ngay cho DNBH theo đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa để hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Thông báo ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương gần nhất để phối hợp giải quyết vụ tai nạn. Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến của DNBH trừ trường hợp để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông.

Trước đó, ông Phùng Ngọc Khánh cho hay, theo kế hoạch năm 2021, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi tổng thể Luật Kinh doanh bảo hiểm. Về việc cân nhắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy là bắt buộc hay tự nguyện, Bộ Tài chính sẽ nêu vấn đề này để xin ý kiến các cơ quan cũng như đối tượng chịu sự tác động để có báo cáo Chính phủ và Quốc hội.