Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo cơ chế bảo vệ người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả

Theo chương trình làm việc Phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Chủ nhiệm Lê Quang Huy trình bày cho biết: Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã có 171 ý kiến phát biểu, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu đưa vào dự thảo một số vấn đề xác đáng.

Một trong những vấn đề được dư luận và người tiêu dùng quan tâm là bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, dự thảo luật này đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự án Luật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự án Luật

Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số… đã được bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số...

Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hoàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố.

Bên cạnh đó, nội dung này cũng được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật có liên quan.

Ông Lê Quang Huy cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy dịch vụ công là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện.

Do đó, việc cung cấp các dịch vụ công phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thực hiện, bảo đảm quyền và trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ cũng như bên được cung cấp dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công, người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Cần đánh giá kỹ hơn khái niệm người tiêu dùng là cá nhân hay có cả tổ chức?

Về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội  cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật vì: trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại. Quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, quy định này kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng” vì: theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.Người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp.

Chính vì vậy, dự thảo Luật quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường băn khoăn: quy định chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi cá nhân đã bao phủ hết thực tiễn cuộc sống hay chưa?

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường băn khoăn: quy định chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi cá nhân đã bao phủ hết thực tiễn cuộc sống hay chưa?

Thảo luận về quy định này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường băn khoăn, vậy các cơ quan tổ chức mua sắm tập trung để cho cá nhân tiêu dùng thì sao? Quy định chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi cá nhân đã bao phủ hết thực tiễn cuộc sống hay chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với loại ý kiến quy định khái niệm người tiêu dùng là có cả tổ chức.

Bởi, phương án này sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp nhưtrường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng cho trẻ em, học sinh, công nhân...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, nếu thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến đối với Việt Nam cần được cân nhắc thận trọng.

Cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả, khả thi nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế-xã hội của đất nước.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Nên quy định thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần thiết có quy định về thủ tục rút gọn để xử lý các vụ án tranh chấp nhỏ, giá trị không cao sẽ gây lãng phí thời gian, công sức và cá nhân, tổ chức liên quan.

Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần làm rõ tại sao trong thực tế lâu nay lại không áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử các vụ án bảo vệ người tiêu dùng? Nguyên nhân từ đâu, do người tiêu dùng hay cơ quan tòa án, hoặc các quy định của pháp luật? Theo ông Tùng, việc áp dụng thủ tục rút gọn khi xét xử các vụ việc đơn giản, rõ ràng, có giá trị thấp… nên được quy định trong luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng tán thành nên đưa thủ tục rút gọn trong xét xử các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào dự thảo luật này, bởi việc áp dụng thủ tục này thường là vụ việc nhỏ, giá trị thấp, chứng cứ rõ ràng, địa chỉ cụ thể…

Tuy nhiên, bà Nga đề nghị Ban soạn thảo cần làm việc thêm với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng tình việc quy định áp dụng thủ tục rút gọn cho phù hợp với thực tiễn, nhưng rà soát lại quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về quy định này và Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cũng bày tỏ rõ quan điểm về vấn đề này.Bên cạnh đó, cần rà soát thêm các quy định để không tạo thêm gánh nặng chi phí đối với người cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa và cũng như chi phí người tiêu dùng phải trả thêm.