Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo điều kiện để thanh niên khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng

(Dân sinh) - Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và An toàn vệ sinh lao động đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, có việc làm ổn định, phát huy năng lực bản thân, bớt đi những tự ti, mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tại hội thảo thảo "Phát triển các mô hình trợ giúp người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng", bà Đinh Thị Thụy, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Đảng, nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác NKT, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật chăm lo, bảo đảm quyền của NKT, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và An toàn vệ sinh lao động đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật (TNKT) khởi nghiệp.

Tạo điều kiện để thanh niên khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Thụy, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam: Tạo cơ hội bình đẳng để NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập.

Theo đó, công tác NKT đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với NKT được nâng cao hơn, NKT ngày càng tự tin hòa nhập vào đời sống xã hội. Các cơ quan Nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của NKT, tạo cơ hội bình đẳng để NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức NKT phát huy khả năng của bản thân.

Chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ TNKT khởi nghiệp, Hội vì sự Phát triển của NKT Quảng Bình cho biết, theo thống kê của các Câu lạc bộ NKT tỉnh Quảng Bình, TNKT chiếm khoảng 40% số lượng NKT trên địa bàn, phần lớn NKT sống ở nông thôn, nơi điều kiện kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế. Hầu hết thuộc các hộ nghèo và cận nghèo, đời sống vô cùng khó khăn, đa số không có việc làm, thu nhập bấp bênh, khó tiếp cận các dịch vụ có chất lượng. Nhiều TNKT sống khép kín, mặc cảm tự ti, sức khỏe hạn chế, khó khăn trong tiếp cận thông tin về chính sách xã hội. Bên cạnh đó, cũng có nhiều TNKT nhiệt huyết, chăm chỉ, mong muốn có công ăn việc làm để vượt lên khó khăn ổn định cuộc sống. Chỉ có khoảng gần 20% TNKT có công ăn việc làm cho thu nhập từ các hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp tại địa phương, chủ yếu mô hình tự làm ăn, tự kinh doanh.

Từ thực tế trên, để định hướng cho TNKT khởi nghiệp, Hội vì sự tiến bộ của NKT tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Hội đã nhân rộng các mô hình thành công bằng phương pháp hỗ trợ đồng cảnh, đó là chính TNKT hỗ trợ TNKT; thúc đẩy các sáng kiến khởi nghiệp thông qua các diễn đàn online, offline; tăng cường hợp tác và huy động hỗ trợ của các tổ chức thanh niên từ Trung ương đến địa phương để hỗ trợ cho TNKT khởi nghiệp; phổ biến rộng rãi các câu chuyện thành công của TNKT khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho TNKT khác; kết nối và giới thiệu TNKT tới các tổ chức trong nước và quốc tế để có sự hỗ trợ kịp thời các ý tưởng khởi nghiệp của TNKT. Đặc biệt, thúc đẩy mô hình dịch vụ cộng đồng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng NKT; kết nối NKT với các cơ sở dạy nghề và cơ sở sản xuất, dịch vụ để tạo việc làm cho NKT; thay đổi tư duy hỗ trợ NKT từ từ thiện sang tự chủ; tạo điều kiện và thúc đẩy NKT tự ra quyết định cho những vấn đề của họ; áp dụng cơ chế đóng góp chi phí trong các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp để tạo tính tự chủ và tính sở hữu; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương trong quá trình hỗ trợ để có sự hậu thuẫn và hỗ trợ nguồn lực kịp thời và mọi lúc mọi nơi…

Tạo điều kiện để thanh niên khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng - Ảnh 2.

Người khuyết tật mong muốn có việc làm để ổn định cuộc sống.

Về hỗ trợ TNKT khởi nghiệp, Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) cũng cho biết, Hội đã thành lập mạng lưới câu lạc bộ TNKT trên toàn tỉnh; khảo sát tìm hiểu tình hình nhu cầu, năng lực của TNKT; tập huấn nâng cao năng lực cho TNKT; thúc đẩy các sáng kiến khởi nghiệp cho TNKT; tăng cường hợp tác với các bên liên quan để hỗ trợ TNKT.

Về hỗ trợ vốn, hạt giống cho cá nhân cho TNKT, AEPD chia sẻ đã xây dựng kế hoạch khả thi và huy động các nguồn lực sẵn có; thể hiện rõ những nỗ lực thực hiện kế hoạch; hỗ trợ bằng hiện vật, chỉ một phần của kế hoạch đối với hạng mục chính; tiếp đến Hội tiếp tục theo dõi, tư vấn, hỗ trợ đồng cảnh trong quá trình thực hiện.

Đối với nhóm TNKT, AEPD đã thành lập mạng lưới Câu lạc bộ TNKT với những nội dung liên quan trực tiếp đến mô hình sinh kế được lựa chọn, cùng với sự hậu thuẫn và đồng hành của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cấp tỉnh và huyện. Tiếp đến, với hình thức tập huấn bắt tay chỉ việc, thực hành là chính và thực hành ngay tại chỗ với những tình huống cụ thể; thay đổi ý thức sản xuất, tự tính toán được lỗ, lãi khi lựa chọn mô hình.

Về phần hỗ trợ thị trường cho TNKT, AEPD chia sẻ: Hội chỉ lựa chọn những mô hình sinh kế có tiềm năng trên thị trường; kết nối đầu vào và đầu ra trước khi quyết định hỗ trợ; hỗ trợ tham gia giới thiệu các sản phẩm tại hội chợ và các sự kiện tương tự; hỗ trợ thiết kế nhãn mác và đăng ký chất lượng sản phẩm…