Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí

Bộ Thông tin Truyền thông đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.

Hôm nay (8/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ là vị Bộ trưởng cuối cùng "đăng đàn" trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Theo dự kiến, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông sẽ trả lời về 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách được các đại biểu và cử tri quan tâm là Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và Việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Xem xét, đề xuất sửa đổi Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn

Từ kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Báo chí năm 2016 để đánh giá về quá trình triển khai, thi hành Luật, từ đó xem xét, đề xuất sửa đổi Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn phát triển của báo chí và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí triển khai đúng lộ trình Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hình thành thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài; từng bước hoàn thiện và đảm bảo hệ thống pháp luật về dịch vụ phát thanh, truyền hình phù hợp với thực tiễn phát triển và hài hòa với luật pháp quốc tế và quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam.

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Zing.vn

Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP) để có hành lang pháp lý đủ mạnh xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Báo chí năm 2016, nhằm làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí và tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh.

Tiếp tục "mạnh tay" quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội

Được biết, Bộ Thông tin Truyền thông đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật, kết hợp với một số biện pháp mạnh và tức thời. Hiện Bộ Thông tin Truyền thông đã yêu cầu tạm dừng cấp phép các trang thông tin điện tử tổng hợp đối với các doanh nghiệp và cơ quan báo chí trên phạm vi toàn quốc.

Đối với các trang đã cấp phép, sẽ thực hiện tổng rà soát ngay trong những tháng tới để chấn chỉnh các vi phạm về “báo hóa”, về quảng cáo, về tổng hợp thông tin, về bản quyền nội dung... Nếu phát hiện vi phạm sẽ dừng tên miền kết hợp với xử phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép.

Bộ Thông tin Truyền thông cùng với các Sở Thông tin Truyền thông các tỉnh sẽ có cơ chế giao ban định kỳ với các chủ trang thông tin điện tử, mạng xã hội để trao đổi, định hướng, kịp thời uốn nắn đối với các trang vi phạm. Việc rà soát, chấn chỉnh sẽ được hiệu quả và kịp thời hơn vì sẽ sử dụng những công nghệ rà quét, thống kê hiện đại.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên; đồng thời hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế cung cấp dịch vụ tên miền, hosting, nơi các đối tượng vi phạm thường sử dụng để yêu cầu phối hợp ngăn chặn, xử lý.