Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo khuôn khổ pháp lý để lao động Việt Nam nhập cảnh tới Ô-xtrây-li-a làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp

Sáng 28/3/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a đã tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Ô-xtrây-li-a và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Ô-xtrây-li-a .

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bà Marise Payne, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a thay mặt Chính phủ Ô-xtrây-li-a ký kết Bản ghi nhớ. Đây là Bản ghi nhớ đầu tiên mà phía Ô-xtrây-li-a ký với các nước đưa lao động đi làm việc tại Ô-xtrây-li-a theo Chương trình thị thực nông nghiệp này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký bản ghi nhớ (Ảnh: Tống Giáp)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký bản ghi nhớ (Ảnh: Tống Giáp)

Trước đó, tháng 9/2021, Chính phủ Ô-xtrây-li-a công bố Chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam trở thành 4 nước ưu tiên tham gia sớm Chương trình này (gồm Việt Nam, Thái Lan, In-đô-nê-sia và Phi-lip-pin). Chương trình thị thực nông nghiệp được thực hiện nhằm góp phần bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế cho Ô-xtrây-li-a, đồng thời tạo cơ hội cho lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thu nhập trong thời gian làm việc tại Ô-xtrây-li-a và gửi thu nhập về nước. Trong khi đó, những người sử dụng lao động Ô-xtrây-li-a cũng sẽ được lợi từ việc có thể tiếp cận nguồn lao động đáng tin cậy.

Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Ô-xtrây-li-a và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Ô-xtrây-li-a sẽ tạo khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam dễ dàng nhập cảnh tới Ô-xtrây-li-a để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc ký kết Bản ghi nhớ sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a trong bối cảnh hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Phía bạn sẽ tiếp nhận lao động ta trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200 AUD-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52.800.000 VNĐ – 66.000.000 VNĐ/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá là cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác. Ô-xtrây-li-a có nền kinh tế phát triển, với nền nông nghiệp hiện đại.

Việc hợp tác lao động với Ô-xtrây-li-a giúp người lao động Việt Nam sang làm việc không chỉ có thu nhập tốt, điều kiện làm việc đảm bảo mà còn là cơ hội học tập được các kiến thức, kỹ năng, khoa học công nghệ tiên tiến; đồng thời đáp ứng nhu cầu về sử dụng nhân lực của Ô-xtrây-li-a , mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Lễ ký bản ghi nhớ được thực hiện song song tại hai điểm cầu Việt Nam và Ô-xtrây-li-a (Ảnh:Tống Giáp)

Lễ ký bản ghi nhớ được thực hiện song song tại hai điểm cầu Việt Nam và Ô-xtrây-li-a (Ảnh:Tống Giáp)

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong gần 50 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Ô-xtrây-li-a - Việt Nam không ngừng lớn mạnh qua từng năm và hiện nay đang phát triển mạnh mẽ nhất. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước được xây dựng trên nền tảng tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, với những mối quan tâm chung và sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện qua sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, giáo dục, ngoại giao nhân dân và đặc biệt trong việc hỗ trợ, ủng hộ nhau thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực phụ trách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những đóng góp cho phát triển mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục nghề nghiệp, lao động và bình đẳng giới. Đặc biệt, Tháng 3/2018, nhân chuyến thăm Ô-xtrây-li-a, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với Bộ Giáo dục và Đào tạo của Ô-xtrây-li-a. Về Bình đẳng giới, Chính phủ Ô-xtrây-li-a thông qua Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị ở Việt Nam”. Thông qua việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các nữ ứng cử viên tiềm năng và tăng cường nhận thức của lãnh đạo, cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của việc thúc đẩy phụ nữ tham gia chính trị, dự án này đã góp phần tăng số lượng phụ nữ trúng cử vào Quốc hội khóa XIV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Bản ghi nhớ được ký kết sẽ tạo hành lang pháp lý cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Ô-xtrây-li-a trong lĩnh vực nông nghiệp (Ảnh:Tống Giáp)

Bản ghi nhớ được ký kết sẽ tạo hành lang pháp lý cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Ô-xtrây-li-a trong lĩnh vực nông nghiệp (Ảnh:Tống Giáp)

“Việc ký kết Bản ghi nhớ về giữa hai Chính phủ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Ô-xtrây-li-a ngày hôm nay là một dấu mốc quan trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Tôi đánh giá cao hiệu quả của hoạt động hợp tác lao động trong thời gian qua. Ngay từ năm 2017, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a. Sự tham gia tích cực của hơn 1000 công dân Việt Nam vào chương trình này từ năm 2019 đến 2021 là tiền đề quan trọng  cho sáng kiến về Chương trình lao động nông nghiệp lần này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh,

Theo Bộ trưởng, Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Ô-xtrây-li-a và Chính phủ  Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Ô-xtrây-li-a sẽ tạo khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam dễ dàng nhập cảnh tới Ô-xtrây-li-a để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, Ô-xtrây-li-a là nước tiếp nhận lao động nước ngoài có mức lương tốt, hệ thống pháp luật rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của người lao động nhưng yêu cầu về trình độ tay nghề, ngoại ngữ khắt khe. Việc đưa lao động đi làm việc ở Ô-xtrây-li-a với các hình thức, ngành nghề khác nhau (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp) là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhiều người lao động.