Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo ra những khuôn khổ pháp lý “mở” cho người lao động và “mở” cho doanh nghiệp

(Dân sinh) - Qua lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng, dự thảo đang “nặng” về quản lý chặt hơn, cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý “mở” hơn nữa cho người lao động và “mở” cho doanh nghiệp. “Bộ hết sức lắng nghe, không bảo thủ mà rất cầu thị vì mục tiêu cao nhất là bảo đảm khi luật ra đời có tính thực thi cao”, Bộ trưởng nói.

Chiều 16/4, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đã tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung; Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại; và đại diện các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch Nước…

Tạo ra những khuôn khổ pháp lý “mở” cho người lao động và “mở” cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Lê Văn Thanh

Không phải đặt ra một Quỹ mới

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, sau hơn 12 năm thi hành, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn áp dụng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế, đặt ra các yêu cầu cần phải bổ sung, sửa đổi.  

"So với Luật hiện hành, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…", Thứ trưởng Bộ Lao động- TB&XH cho hay.

Theo tờ trình của Chính phủ, luật hiện hành chưa quy định rõ về loại hình, tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Nội dung chi từ Quỹ hiện được quy định rất hạn chế (chi cho các hoạt động mở rộng và phát triển thị trường, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động) dẫn đến Quỹ hoạt động chưa hiệu quả.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, dự thảo đã bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách và mở phạm vi chi từ Quỹ lên 8 nội dung.

"8 nội dung hoạt động được chi từ quỹ chủ yếu cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", ông Thanh nói.

Tạo ra những khuôn khổ pháp lý “mở” cho người lao động và “mở” cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ. Ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc vì hoạt động của Quỹ trong thời gian qua không phát huy được vai trò và hiệu quả.

Thường trực Ủy ban cho rằng, hồ sơ dự án Luật chưa giải trình cụ thể đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

Để có cơ sở thảo luận, thẩm tra thấu đáo, Uỷ ban đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá làm rõ 4 vấn đề: kết quả sử dụng Quỹ; các nội dung chi của Quỹ đã đảm bảo không trùng lắp với nhiệm vụ chi cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này; cơ cấu tổ chức của Quỹ có phù hợp và đảm bảo tính khách quan, minh bạch; bộ máy quản lý, nhân sự của Quỹ.

Làm rõ, Bộ trưởng Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước không phải mới. "Quỹ này đang có trong luật rồi, không phải đặt ra một Quỹ mới".

"Chỉ có điều, thời gian qua quỹ có tiền nhưng khi muốn chi, thì không chi được", Bộ trưởng Dung cho biết, nội hàm sử dụng Quỹ này rất hạn chế, khi muốn chi lại không chi được.

Tư lệnh ngành Lao động – TB&XH dẫn ví dụ như, doanh nghiệp gặp rủi ro, người lao động gặp tai nạn hỏa hoạn ở nước ngoài rất muốn chi mà không chi được hoặc chỉ chi được một khoản tiền "rất nhỏ nhoi", lý do vì "chưa có quy định cụ thể", ông nói.

Vậy có cần thiết có Quỹ này không? Bộ trưởng Dung nêu, và khẳng định: "Rất cần và phải tạo điều kiện để quỹ hoạt động đầy đủ".

"Quỹ này tập trung vào giải quyết những vấn đề liên quan đến người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ nhà nước cho phép và khi không có nguồn từ ngân sách nhà nước thì lấy vào Quỹ này", Bộ trưởng nêu rõ.

Nhiều doanh nghiệp liên tục vi phạm, nên cần có quy định ràng buộc

Một vấn đề nữa, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn của Giấy phép hoạt động dịch vụ từ không có thời hạn sang quy định có thời hạn 05 năm và từ đó dẫn đến việc bổ sung quy định về gia hạn Giấy phép.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, báo cáo đánh giá tác động chính sách lý giải chưa thuyết phục mục tiêu của chính sách và quy định này mà tập trung vào việc đánh giá cho rằng, tuy có làm phát sinh thủ tục hành chính nhưng tăng tính tuân thủ và có lợi đối với công tác quản lý nhà nước, bảo đảm đánh giá năng lực của doanh nghiệp dịch, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động .

Tạo ra những khuôn khổ pháp lý “mở” cho người lao động và “mở” cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong khi đó, dự thảo Luật đã quy định khá chặt chẽ và thực chất là nâng điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ; đồng thời đã có quy định doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện trong suốt quá trình hoạt động.

"Báo cáo giám sát của Ủy ban về các vấn đề Xã hội về thực hiện Luật hiện hành đã có kiến nghị theo hướng việc sửa đổi quy định của Luật nhằm tăng cường các tiêu chí, giải pháp nhằm để phân loại, đánh giá cụ thể được năng lực, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải theo hướng quy định về thời hạn của Giấy phép", ông Lợi cho biết, vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị giải trình rõ hơn, thuyết phục hơn về quan điểm, thay đổi quy định đối với thời hạn Giấy phép.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong quá trình hoạt động, Bộ thấy có nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp liên tục vi phạm nên cần phải có quy định ràng buộc để bảo đảm quản lý nhà nước, hạn chế ảnh hưởng, tiêu cực.

Tuy nhiên, qua lắng nghe các ý kiến, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn cho rằng, dự thảo đang "nặng" về quản lý chặt hơn, cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý "mở" hơn nữa cho người lao động và "mở" cho doanh nghiệp. Và thứ nữa, phải lấy rộng hơn đối tượng tác động.

"Tất cả các ý kiến đóng góp Bộ hết sức lắng nghe, không bảo thủ mà rất cầu thị vì mục tiêu cao nhất là bảo đảm khi luật ra đời có tính thực thi cao", Bộ trưởng nói.

Về chính sách đối với người lao động sau khi về nước, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc bổ sung các quy định mới là rất cần thiết, đây là một trong những mục tiêu quan trọng cần được quan tâm và thể hiện trong dự thảo Luật do công tác quản lý lao động sau khi về nước của doanh nghiệp, của địa phương còn chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban lưu ý, các chính sách mới này cần phải được đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện về khả năng, năng lực, khả năng của ngân sách nhà nước trung ương và địa phương) thì mới có thể khả thi.

Đối với lực lượng lao động này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện chưa có các chính sách và để tránh lãng phí nguồn lực, tại Diễn đàn nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH và Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án để sử dụng hiệu quả nhất nguồn lao động sau khi về nước để làm sao với phương châm "đi lao động nước ngoài về làm chủ".

"Hiện, Đồng Tháp là địa phương làm rất tốt phương án này", ông Dung nêu ví dụ. 

Đánh giá tổng quan, Bộ trưởng nhìn nhận, suốt thời gian qua, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã phát huy tác động rất lớn. "Từ chỗ một năm chỉ vài chục nghìn người đi làm tại nước ngoài, thì nay như năm 2019, chúng ta tới 152 nghìn người/năm đi làm việc tại nước ngoài.

Điều này cho thấy, đã đáp ứng được mục tiêu lớn, nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vì thực tế nhu cầu việc làm của người lao động rất cao - (hàng năm, giải quyết việc làm 1,6 triệu người/năm, thì số lao động đi làm việc ở nước ngoài chiếm 10%).

Tuy 10% lao động này, không phải tất cả đều có trình độ tay nghề cao, kỹ năng tốt, nhưng quan trọng là đã giải quyết được việc làm, và với mức thu nhập tốt hơn nhiều so với các công việc tương tự làm ở trong nước, thông qua đó, rèn luyện tác phong kỷ luật, kỷ cương lao động.

"Thời gian qua, tiếp cận với cách tiếp cận mới, những thị trường hiệu quả không cao, gần như Bộ tìm cách hạn chế, và chuyển mạnh sang các thị trường tốt", Bộ trưởng nói và thông tin, hiện đang khai phá rất nhiều thị trường tốt, ví dụ như ở Đức, các em làm tới 3 nghìn ero/ tháng. "Tôi trực tiếp sang Rumani, Hungari cũng thế. Hay cả thị trường Nhật, rất tốt... Như vậy cho thấy, Luật này đã phát huy hiệu quả".