Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới gắn với di sản Huế sau đại dịch

Để có thể phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ngay từ thời điểm này, Thừa Thiên Huế đã có nhiều bước đi cụ thể.

Tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới gắn với di sản Huế sau đại dịch - Ảnh 1.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô ký kết hợp tác xúc tiến quảng bá di sản văn hoá cố đô Huế

Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai xúc tiến quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, ngày 17/9, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục ký kết hợp tác xúc tiến quảng bá di sản văn hoá cố đô Huế với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô.

Theo đó, để góp phần đưa du lịch Thừa Thiên Huế trở lại sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hai đơn vị nói trên sẽ hợp tác nhằm: hoàn thiện, nâng cao chất lượng cũng như hình thức nội dung thuyết minh di sản; ứng dụng công nghệ mới trong giới thiệu quảng bá di sản, văn hóa, các tour tuyến du lịch. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm du lịch mới mang tính hấp dẫn, đặc thù; kết nối di sản Huế với mạng lưới du lịch quốc gia và quốc tế.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng thống nhất việc phối hợp triển khai hợp tác thúc đẩy quảng bá các giá trị Di sản Văn hoá Cố đô Huế và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể sẽ hợp tác nghiên cứu, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xây dựng nội dung, cơ chế, chính sách khuyến khích và triển khai các sản phẩm, ứng dụng về xây dựng đô thị thông minh, du lịch thông minh, du lịch trải nghiệm, chuyển đổi số… góp phần làm phong phú thêm các loại hình du lịch. Hợp tác xây dựng chiến lược truyền thông, xúc tiến quảng bá Di sản Văn hóa Cố đô Huế và du lịch Thừa Thiên Huế. Hợp tác đào tạo nâng cao năng lực ngành du lịch: bổ túc kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và biên tập, dịch sách phục vụ du lịch. Hợp tác kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch thông minh.

Tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới gắn với di sản Huế sau đại dịch - Ảnh 2.

Di sản văn hoá Cố đô Huế

Huế được biết đến là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc; là vùng đất có nhiều di sản văn hóa thế giới và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa Huế là tài sản đặc biệt quý giá ẩn chứa những giá trị tinh hoa văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử nối tiếp nhau. Đặc biệt trong thời kỳ Huế là trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng của Việt Nam qua 3 thế kỷ, từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Tài sản đó thể hiện rõ sự kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua, kiến trúc, âm nhạc, lễ nghi, ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống,... hòa quyện vào môi trường thiên nhiên để tạo nên một vùng đất đặc biệt. Huế bảo lưu trong lòng mình nhiều di sản vô giá, mang tầm vóc thế giới. Huế đã trở thành "Một điểm đến, 7 di sản", có nhiều di tích và di sản cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt.  Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch, qua đó tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Hiện nay, do dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là ngành du lịch. Song song với công tác phòng chống dịch bệnh, việc ký kết giữa các đơn vị sẽ tạo tiền đề đưa Du lịch Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khi nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại trong tình hình mới.