Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để thí sinh nào bị lỡ thi"

(Dân sinh) - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đề nghị và nhấn mạnh cần tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để thí sinh nào bị lỡ thi.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được thực hiện chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương, hội đồng thi, điểm thi trong từng khâu tổ chức kỳ thi.

"Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng giao trách nhiệm tổ chức kỳ thi cho các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm cuối cùng, sẽ diễn ra an toàn, trung thực, nhưng không gây nặng nề, căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh và xã hội", nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh. Các hội đồng thi, điểm thi phải lường trước và có phương án xử lý nhanh nhất những tình huống thí sinh gặp vấn đề về sức khoẻ, quên giấy tờ, đến muộn vì lý do bất khả kháng…, không để thí sinh nào bị lỡ thi.

"Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để thí sinh nào bị lỡ thi" - Ảnh 1.

Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để thí sinh nào bị lỡ thi.

Đồng tình với những giải pháp của Bộ GD&ĐT đưa ra, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh phải bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, trung thực, tạo sự yên tâm, thoải mái thí sinh, phụ huynh.

"Kỹ năng xử lý tình huống, ứng xử của giáo viên cần được chú ý hơn nữa, đặc biệt với những tình huống có thể không có trong quy chế, để làm sao bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, không gây tâm lý nặng nề, căng thẳng", bà Ngô Thị Minh góp ý.

Tại cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì diễn ra ngày 17/6, Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay Bộ đã ban hành Quy chế kỳ thi, ra đề thi thử, tổ chức hội nghị trực tuyến với với 63 tỉnh/thành phố về công tác chuẩn bị thi; tập huấn cho các sở GD&ĐT; rà soát, hoàn thiện phần mềm chấm thi, quản lý thi; cung cấp thông tin về những điểm mới của kỳ thi…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Kỳ thi năm nay được giao cho địa phương tổ chức nhưng Bộ GD&ĐT cũng như cá nhân Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo, đặc biệt trực tiếp là những khâu quan trọng như xây dựng và ban hành quy chế thi, ra đề thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, tập huấn. Các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp quá trình tổ chức kỳ thi tại địa phương.