Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạp chí Văn hóa Phật giáo công bố mã chuẩn quốc tế ISSN

(Dân sinh) - Tờ Tạp chí bán Nguyệt san Văn hóa Phật giáo với mã số chuẩn quốc tế ISSN được cấp phép hoạt động từ ngày 18/08/2020, chính thức ra mắt nhân sự, đưa website, app ứng dụng của Tạp chí đi vào hoạt động và thực hiện Lễ ký kết với Bưu Điện TP HCM

Hôm nay (20/9/2020) tại KS New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM), được sự cho phép của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Tạp chí Văn hóa Phật giáo đã tổ chức Lễ công bố mã chuẩn quốc tế ISSN (International Standard Serial Number).

Tạp chí Văn hóa Phật giáo công bố mã chuẩn quốc tế ISSN - Ảnh 1.

Các vị chức sắc trong GHPGVN tham dự buổi lễ

Tham dự buổi lễ có đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPG VN; Hòa thượng (HT) Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư Ký kiêm Chánh Văn Phòng 2 TƯ GHPGVN; HT Thích Hải Ấn – Uỷ viên thường trực HĐTS, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá Phật giáo; Ông Trà Quang Thanh – Vụ Trưởng Vụ Công tác phía nam Ban Tôn Giáo Chính Phủ; Bà Nguyễn Lê Hà – Đại diện Cục An Ninh Nội Địa – Bộ Công An và chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS GHPGVN; Văn phòng 1, 2 TƯ GHPGVN cùng với  các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ học giả, nhà nghiên cứu và quý Phật tử.

Trước đó ngày 18/08/2020 Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ khoa học và Công nghệ) đã có văn bản số 23/TTKHCN-ISSN chấp thuận hồ sơ đề nghị cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN cho xuất bản phẩm của Tạp chí Văn hóa Phật giáo - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với mã số là ISSN 2734-9128

Tạp chí Văn hóa Phật giáo phát hành 1 tháng 2 kỳ, có trụ sở Tòa soạn tại 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Tổng Biên tập Tạp chí này là Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Phó tổng biên tập thường trực, kiêm Tổng thư ký Tòa soạn là Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Đại đức Thích Minh Hiền làm phó Tổng biên tập thứ 2  

Tạp chí Văn hóa Phật giáo công bố mã chuẩn quốc tế ISSN - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn – Phó Tổng biên tập Thường trực công bố các quyết định

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Toà soạn, Thượng toạ Thích Minh Nhẫn – Phó Tổng biên tập Thường trực đã công bố quyết định về việc bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Ân giữ chức vụ Phó Tổng Thư ký phụ trách Trị sự; Quyết định chuẩn y nhân sự Ban Biên tập Tạp chí và Quyết định  về việc bổ nhiệm người giữ chức vụ Chánh văn phòng Tạp chí.

Tạp chí Văn hóa Phật giáo công bố mã chuẩn quốc tế ISSN - Ảnh 3.

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS trao logo chính thức đưa website, app ứng dụng của Tạp chí Văn Hóa Phật giáo đi vào hoạt động.

Trong buổi lễ Công bố mã số ISSN, ra mắt nhân sự, Ban Biên tập vinh dự được Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS trao logo chính thức đưa website, app ứng dụng của Tạp chí Văn Hóa Phật giáo đi vào hoạt động.

Tạp chí Văn hóa Phật giáo công bố mã chuẩn quốc tế ISSN - Ảnh 4.

Tổng Biên tập - Hòa thượng Thích Hải Ân trao các Quyết định bổ nhiệm các phòng ban

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Tạp chí Văn hoá Phật giáo đã ký kết với 2 đơn vị thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam về gói dịch vụ hỗ trợ chuyển phát chuyển thư tín, ấn phẩm Tạp chí Văn hóa Phật giáo đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước của Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh và lễ tiếp nhận nhận 3.000 bì thư từ Công ty Data Post. 

Tạp chí Văn hóa Phật giáo công bố mã chuẩn quốc tế ISSN - Ảnh 5.

Ký cam kết hợp tác với bưu điện

Lãnh đạo 2 công ty cam kết sẽ tận dụng năng lực, cơ sở vật chất, nguồn lực sẵn có của đơn vị để phối hợp với tạp chí Văn hóa Phật giáo để triển khai các chương trình an sinh xã hội, mang lại lợi ích cho cộng đồng, người dân và các phật tử với mong muốn cùng chung tay góp phần tuyên truyền chân lý, tư tưởng, văn hóa Phật giáo đến các phật tử.

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo là cơ quan ngôn luận của Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Sau hơn 16 năm hình thành và phát triển, Tạp chí đã tạo lập được uy tín và vị thế vững chắc. Đặc biệt, có rất nhiều công trình nghiên cứu đăng trong Tạp chí VHPG được giới chuyên môn đánh giá là có giá trị học thuật xứng tầm, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có tính thực tiễn cao.

Nhiều bài viết trong Tạp chí VHPG đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa Phật giáo, những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, tôn vinh truyền thống văn hóa nhân bản của dân tộc Việt Nam, góp phần làm tốt đời đẹp đạo.

Để đánh dấu mốc son phát triển của Tạp chí Văn hoá Phật giáo, song hành cùng sự phát triển của thời đại công nghệ số, kể từ số báo 350, Ban Biên tập đã vận dụng hiệu quả ưu thế của nền kỹ thuật số để góp phần tạo nên sức lan toả mạnh mẽ cho nội dung Tạp chí, đưa các giá trị tư tưởng đạo đức và các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích của Tạp chí đến với cộng đồng các giới một cách nhanh nhất.