Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị hạn chế/cấm nhập xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

(Dân sinh) - Liên quan tới kiến nghị mới đây của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có phản hồi chính thức.

Không đưa ra câu trả lời trực diện vào vấn đề đồng ý hay không đồng ý với kiến nghị của PVN, Bộ Công Thương phân tích: Việt Nam hiện có 2 Nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. 

Thời gian qua, do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, các nhà máy lọc dầu trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân.

Đồng thời, Bộ Công Thương lưu ý các giải pháp "phải phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết".

Do vậy, Bộ Công Thương chưa đề cập đến việc hạn chế hay cấm nhập khẩu xăng dầu  như đề xuất của PVN.

Thay vào đó, Bộ Công Thương cho rằng, về phía các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: Tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt. 

Điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết...

Về phía các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu (ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ...); khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu; thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành...)…

Xung quanh câu chuyện giá dầu thô giảm mạnh suốt thời gian qua, ông Nguyễn Việt Sơn thông tin thêm: Trong phiên giao dịch ngày 21/4, giá dầu trên các sàn giao dịch giảm nhiều nhưng giá dầu Mỹ ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2020 trên sàn giao dịch NYMEX (New York, Mỹ) duy trì ở mức khoảng 16-20 USD/thùng và giá dầu Brent trên sàn giao dịch ICE (London) ở mức 21-25 USD/thùng.

Giá dầu thô khai thác trong nước của Việt Nam thường được tham chiếu đến giá dầu thô Brent. Việc giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu trọng yếu của PVN.

Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 19% so với kế hoạch năm, đạt 520 nghìn tỷ đồng (so với kế hoạch là 640,9 nghìn tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn giảm 38,4% so kế hoạch năm đạt 50,6 nghìn tỷ đồng (so với kế hoạch là 82,1 nghìn tỷ đồng).

Trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD thì doanh thu toàn PVN giảm 4,6 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước giảm 1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.

Được biết, trước đó, PVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương hạn chế hay cấm nhập khẩu xăng dầu do các nhà máy lọc dầu trong nước đang tồn kho lớn, gặp nhiều khó khăn, thua lỗ.

Sáng 21/4, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thế giới rơi xuống ngưỡng âm (dưới 0 USD/thùng). Việc giá dầu thế giới giảm sâu như vậy sẽ tác động đến ngành xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương nêu rõ. Qua thông tin được công bố, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) hợp đồng kỳ hạn (paper contract) giao tháng 5/2020 trên sàn giao dịch NYMEX (New York, Mỹ) ngày 20/4/2020, chốt ở mức âm (dưới 0 USD/thùng).

Mức giá thấp này chưa từng có trong lịch sử là do ngày 21/4/2020 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020. Tại thời điểm này, người mua hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, với tình trạng nhu cầu dầu thô, xăng dầu tại Mỹ đóng băng do dịch Covid-19 hiện nay, trong khi dầu thô vẫn được sản xuất, các kho chứa dầu, kể cả tàu biển và toa tàu hỏa đều đã chất đầy dầu thô thì việc nhận dầu vào thời điểm này và thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao.

Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng dầu thô WTI sau khi cân nhắc tính toán lợi ích của mình đã quyết định “bán tháo” với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên.

Thực chất giá âm (dưới 0 USD/thùng) là mức giá được giao dịch giữa các thương nhân (trader) trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (Nhà máy lọc dầu). Số lượng dầu giao dịch ở mức âm (dưới 0 USD/thùng) là rất thấp.