Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hoá

Sau 5 năm triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào tăng trưởng và định vị thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trình bày báo cáo đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) Trần Hoàng cho biết phát triển công nghiệp văn hoá đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực; đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hoá góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ VH-TT&DL, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP.

Nêu cụ thể một số kết quả ấn tượng, ông Trần Hoàng dẫn chứng trong lĩnh vực điện ảnh, năm 2019, tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng. Đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược. Với du lịch văn hoá năm 2019, tổng doanh thu đạt 720.000 tỷ đồng. Năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19). Tuy nhiên sang năm 2022, du lịch văn hoá đã có bước phục hồi ấn tượng khi ước đạt 495.000 tỷ đồng.

z39733209367357fa35b668044cdc769ee1c16e355a262-16715249112341113110725

Trong nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 112 chương trình, 82 vở diễn, 1.682 buổi biểu diễn, thu hút 15.629.482 lượt xem. Kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 35 tỷ đồng. Đối với quảng cáo, năm 2020, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của đài Phát thanh - Truyền hình đạt khoảng 7.250 tỷ đồng. Trước đó năm 2019, doanh thu quảng cáo trên truyền hình đạt 45 tỷ đồng, quảng cáo ngoài trời 1.445 tỷ đồng, internet 16.662 tỷ và tổng doanh thu quảng cáo trên các phương trên các phương tiện là 65.408 tỷ đồng…

Ở địa phương, nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ VH-TT&DL theo kế hoạch được phê duyệt. Có sự kết hợp, lồng ghép các nhiệm được giao tại Chiến lược với một số kết quả nổi bật, đóng góp chung vào thành tích của các địa phương. Trong đó, TP. Hà Nội được lựa chọn là thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Nhiều dự án, chương trình âm nhạc đi vào đời sống không chỉ là hoạt động nghệ thuật mà còn là hoạt động dịch vụ, thương mại, kinh doanh với nhiều mô hình đa dạng…

Để có được sự phát triển tốt nhất cho các ngành công nghiệp văn hoá, ngành VH-TT&DL cũng luôn tập trung công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, mô hình tổ chức đào tạo lĩnh vực văn hoá nghệ thuật trong nước đã, đang được hình thành theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều chương trình, giáo trình đào tạo ngày càng được hoàn thiện. Các tài năng trẻ được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để phát huy khả năng sáng tạo, tạo nên sản phẩm mới cho ngành công nghiệp văn hoá. Chính sách đối với giảng viên, nhà giáo tham gia đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù đã phần nào được quan tâm.

Tuy nhiên cùng với những gì đã làm được, tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn đó một số vướng mắc trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam. Công nghiệp văn hoá chưa thật sự được coi là ngành ưu tiên. Hành lang pháp lý chưa đủ mạnh và chặt chẽ tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa phát triển. Năng lực dự báo của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa còn hạn chế. Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho hoạch định chính sách phát triển các ngành công nghiệp chưa được chú trọng…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thời gian qua. Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá. Công nghiệp văn hoá đóng góp không nhỏ cho lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý không được phép hài lòng với những gì đã đạt được mà phải tiếp tục nỗ lực cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thành hành động cụ thể, đạt nhiều thành công vì lợi ích đất nước, nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tập trung nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thẳng thắn nhìn nhận lại tồn đọng để đưa ra giải pháp. Một trong những vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại là vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hoá. Nhà nước chỉ đứng ra định hướng, có tính chất vốn “mồi”, còn lại sản phẩm văn hoá được làm ra phải là do nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đây là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ khó có những sản phẩm của công nghiệp văn hoá đúng với mong đợi.