Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tập trung thiết kế chính sách Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Ngày 23/9, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 tổ chức Hội nghị trực tuyến Vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 (Ban chỉ đạo) chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú; Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Dương Quyết Thắng và đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan, các thành viên Ban chỉ đạo, cùng đại biểu tại 63 điểm cầu trong toàn quốc.

Vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Trong những năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ luôn tập trung ưu tiên nguồn lực để bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo.

Cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo từ nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của cộng đồng và doanh nghiệp và các địa phương, cả nước đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo mà Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,55%, (bình quân giảm 300 ngàn hộ/năm), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 5,5%/năm; cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo được cải thiện rõ rệt, đời sống người nghèo được cải thiện, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên.

"Trong quá trình tổ chức thực hiện, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên như tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã trở thành "điểm sáng" trong cả nước, điều đặc biệt là lại được hình thành mang tính "tiền phong, lan tỏa" ở với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh), Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An). Điều này chứng tỏ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã thực sự phát huy tác dụng, có hiệu quả, là điểm tựa để khơi dậy ý chí vươn lên của chính người nghèo, trong đó phải kể đến chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo trong những năm qua đã trở thành chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo Việt Nam", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin.

Vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũngphát biểu khai mạc hội nghị.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, không chỉ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự liên kết, thông thương hàng hóa, mà đòi hòi phải có có cơ chế để người nghèo tiếp cận được nguồn vốn, tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ chi phí học tập cho con em hộ nghèo, cải thiện nhà ở, môi trường và nước sinh hoạt…, chỉ thông qua tín dụng chính sách, mới thực sự giúp cho người nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống, tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản từ đó nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Với cách tổ chức các điểm giao dịch trực tiếp tại xã, với việc giải quyết thủ tục nhanh gọn, người nghèo vay vốn không phải đảm bảo tài sản, định mức cho vay được tăng dần qua các năm cho phù hợp với thực tiễn, lãi suất cho vay ưu đãi, đối tượng được mở rộng cả hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo được vay vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nhận ủy thác, điều này đã thêm một lần nữa khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi là chính sách của người nghèo, phù hợp với chủ trương sửa đổi, tích hợp chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội, đó là chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả để giúp người nghèo có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã chuẩn bị kết thúc. Từ nay đến 2020, phải tập trung vào việc đề xuất, thiết kế Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021-2025, cũng như xây dựng các tiêu chí để xác định đối tượng hộ nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, theo hướng hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, hỗ trợ tạo điều kiện để thoát nghèo bền vững, trong đó tín dụng ưu đãi là chính sách mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để nhìn lại được bức tranh toàn cảnh về vai trò, vị trí và hoạt động của tín dụng chính sách trong giai đoạn vừa qua, trong kế hoạch hoạt động trong năm 2019, Ban chỉ đạo trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 quyết định tổ chức "Hội nghị trực tuyến về vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững".

Tại hội nghị sẽ báo cáo tổng quan, báo cáo tham luận của các tổ chức Chính trị- Xã hội, các tỉnh, thành phố, các huyện, tổ nhóm vay vốn và ý kiến của hộ nghèo được vay vốn đã thoát nghèo, đánh giá về hiệu quả tín dụng chính sách thời gian qua, cũng như các kiến nghị đề xuất để từ đó các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới theo hướng: tạo cơ hội đề người nghèo có việc làm, có thu nhập, tham gia chuỗi giá trị, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.