Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tây Nguyên: Cương quyết xử lý các trường hợp kinh doanh xăng dầu găm hàng chờ tăng giá để trục lợi

Trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, từ đầu mùa khô đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn Tây Nguyên đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn chặn tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu găm hàng chờ tăng giá để trục lợi bất chính.

Theo đó, tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2022. Đây là thời điểm nhu cầu mua xăng dầu trong nhân dân tăng cao nhằm phục vụ bơm nước tưới cho hàng trăm nghìn ha các loại cây công nghiệp trên địa bàn.

Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp đầu mối với 457 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, thậm chí có thời điểm nguồn cung xăng dầu khan hiếm khiến một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn hụt nguồn cung, đồng thời do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp… nên một số của hàng đã tạm thời ngừng bán.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk Mai Mạnh Toàn cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các ngành chức năng tăng cường giám sát, thường xuyên kiểm tra, ký cam kết, thông báo đường dây nóng về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu cơ bản chấp hành thực hiện tốt quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, thậm chí có thời điểm mỗi lít xăng dầu bán ra doanh nghiệp phải chịu lỗ từ 700 đến trên 1.000 đồng nhưng các doanh nghiệp, chủ cửa hàng vẫn chấp nhận nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. 

Tuy nhiên trong qua trình kiểm tra cũng phát hiện một số ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm nghỉ, dừng hoạt động. Các cửa hàng này tạm nghỉ do có cửa hàng hoạt động kinh doanh khi nhập, mua hàng của thương nhân phân phối không có uy tín trong quá trình thanh toán nên đơn vị cung cấp xăng dầu cắt hợp đồng, phải tạm ngừng bán để tìm nguồn cung mới, có cửa hàng khi kiểm tra hết xăng do chưa nhập kịp nhưng còn dầu để bán, có cửa hàng kinh doanh không hiệu quả nên phải ngừng hoạt động chờ làm thủ tục ngừng kinh doanh để xin giải thể doanh nghiệp, cũng có cửa hàng do nhân viên và chủ doanh nghiệp bán xăng dầu mắc Covid-19 nên phải tạm ngừng bán để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, đến thời điểm hiện nay một số các cửa hàng này đã mở cửa bán trở lại. 

Hiện, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, tránh việc thiếu hụt nguồn xăng dầu tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Empty

Ảnh minh họa

Tại tỉnh Lâm Đồng ngày 2/3, Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng cho biết Đội Quản lý thị trường số 3 vừa quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Cửa hàng xăng dầu Đức Long Bảo Lộc (thuộc Công ty TNHH dầu khí Hà Thành - Chi nhánh Lâm Đồng) về hành vi giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó không có lý do chính đáng. Cây xăng này nằm trên Quốc lộ 20, thuộc địa bàn phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc.

Trước đó, khoảng 13h10 ngày 1/3, nhiều người bức xúc phản ánh khi đưa mô tô vào Đức Long Bảo Lộc đổ xăng thì nhân viên cửa hàng bảo chỉ được mua 30.000 đồng/xe.

“Xe hết xăng rồi mà quãng đường phải đi còn rất xa, nhờ em bơm cho đầy bình, chứ đổ lắt nhắt thế này thì bất tiện quá!”, anh Ph. (khách mua xăng) nài nỉ.

Tuy nhiên, nhân viên cây xăng nhất quyết không chịu: Nếu không muốn đổ xăng ở đây thì đến cây xăng khác. Giờ đi bất kỳ cây xăng nào thì cũng vậy cả, xăng có đâu mà bán. “Cửa hàng đang thiếu xăng mà đóng cửa thì bị quản lý thị trường phạt”, nhân viên này nói thêm.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Bảo Lộc bao gồm Đội Quản lý thị trường số 3, Phòng Kinh tế và Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Bảo Lộc đã thành lập đoàn để kiểm tra cửa hàng xăng dầu này.

Qua kiểm tra thực tế, lượng xăng RON 95-III tồn trong bồn chứa 3.829 lít, không phải hết như nhân viên cửa hàng đã nói với khách. Cùng với một số chứng cứ khác, đoàn kiểm tra xác định cửa hàng này vi phạm quả tang về hành vi giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng và không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.