Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tết Việt truyền thống thích ứng với tình hình mới

Từ lâu nay, mọi người thường coi trọng việc giữ gìn văn hóa truyền thống Tết Nguyên đán để con cháu cùng hướng về nguồn cội, để hiểu hơn về phong tục tập quán của cha ông và hơn cả để nét đẹp đó sống mãi trong đời sống tinh thần người dân.

Báo Tin tức của TTXVN đưa tin, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống Tết Nguyên đán không thể rộng mở như trước mà hướng tới đa dạng hình thức tổ chức để nhiều người tiếp cận thuận lợi với các hoạt động đó.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các điểm di sản, không gian văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội lại sôi động các hoạt động văn hóa, làm sống lại giá trị truyền thống. Sự quan tâm của các nhà văn hóa, người dân và du khách càng làm lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ đó, các hoạt động động này trở thành điểm hẹn của những người yêu văn hóa truyền thống như: "Hội chữ Xuân" ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, "Tống cựu nghinh tân" ở Hoàng thành Thăng Long...

Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần, dù các điểm di sản chưa đón khách tham quan nhưng một số nơi vẫn duy trì các hoạt động để phục vụ công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể tới hoạt động tái hiện các nghi lễ cung đình "Tiến lịch đón Xuân sang" tại Hoàng thành Thăng Long, chương trình "Tết Việt - Tết phố Xuân Nhâm Dần 2002" tại phố cổ Hà Nội, các hoạt động văn hóa tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng... Đặc biệt, tại Làng cổ Đường Lâm diễn ra hoạt động "Tết xứ Đoài" thực sự ấn tượng, tái hiện lại những phong tục, tập quán Tết Nguyên đán. Tết xứ Đoài với các hoạt động truyền thống như: Trải nghiệm không gian chợ Tết, gói bánh chưng, viết thư pháp, trò chơi dân gian, làm các loại kẹo... khiến du khách, trong đó có nhiều đại sứ, đại diện các tổ chức nước ngoài thích thú.

Với những người tổ chức, mục đích cuối cùng của họ là giới thiệu đến người dân và du khách phong tục đón Tết của cha ông, để mọi người thêm yêu và trân trọng giá trị truyền thống. Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo chia sẻ, hoạt động giới thiệu nét văn hóa Tết truyền thống trong không gian truyền thống sẽ gợi lại những ký ức ngọt ngào về Tết xưa, càng làm cho người dân và du khách thêm yêu văn hóa cổ truyền. Để tạo cảm xúc trọn vẹn cho du khách, những người tổ chức phải thực hiện thật kỹ càng, kể cả chi tiết nhỏ nhất và phải có sự hài hòa từ hoạt động, con người, hiện vật, khung cảnh. Các chủ thể tham gia phải biết giới thiệu với khách để họ có thể hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc.

7-d00a

Ngày Tết Nguyên đán truyền thống ở Việt Nam. Ảnh: Vietnamplus.

Năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên dù nhiều nơi đón khách tham quan, trải nghiệm nhưng lượng khách vẫn hạn chế. Để kịp thời giới thiệu các hoạt động văn hóa Tết Nguyên đán đến với đông đảo nhân dân, nhiều đơn vị tổ chức đã linh hoạt triển khai nhiều hình thức mới như trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến. 

Nói về Tết Việt truyền thống, báo Đại đoàn kết cho hay, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Ngày Tết Việt Nam mang ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn của cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa giữa Thiên – Địa – Nhân.

Trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam luôn có 6 loại vật phẩm đặc trưng: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Một trong những món ăn truyền thống ngày Tết đặc biệt nhất của người Việt Nam phải kể tới bánh chưng, bánh tét – loại bánh tượng trưng cho đất và trời. Đi chùa, hái lộc là những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ cầu mong một năm mới may mắn, phúc lộc mà còn để bày tỏ tấm lòng thành kính đối với đức Phật và tổ tiên. Trong đêm giao thừa, khi đi chùa, người dân thường sẽ hái lộc để cầu may mắn và rước lộc vào nhà.