Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thái Nguyên: Sẵn sàng phương án triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ đến người dân

Thực hiện chủ trương không để người dân “đói cơn lạt muối” của Chính phủ, ngay sau khi Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 được Chính phủ ban hành, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh các phương án triển khai gói hỗ trợ để người dân sớm được thụ hưởng chính sách của Nhà nước.

Thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, dịch Covid -19 xảy ra đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng số lao động trong doanh nghiệp là 223.243 người, trong đó: doanh nghiệp nhà nước là 4.789 người, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 112.380 người (chủ yếu làm việc trong các khu công nghiệp của tỉnh); doanh nghiệp dân doanh là 106.074 người.

Thái Nguyên: Sẵn sàng phương án triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ đến người dân - Ảnh 1.

Đồng Hỷ (Thái Nguyên) hỗ trợ gạo cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo báo cáo sơ bộ của 71 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian từ ngày 31/01/2020 đến 07/4/2020, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 2.627 người, doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng lao động với 56 người lao động; còn lại bố trí ngừng việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Từ đầu năm 2020 số người thất nghiệp trong toàn tỉnh đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm là 1. 380 người, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Trung bình mỗi năm, tỉnh Thái Nguyên có từ 1.200 đến 2.000 lao động xuất cảnh làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài với thu nhập bình quân 20 -25 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, các hoạt động tuyển dụng và xuất cảnh sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc sụt giảm mạnh do dịch Covid 19. Đến nay chưa có lao động nào được xuất cảnh sang thị trường Hàn Quốc.

Toàn tỉnh hiện có 20.779 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 14.355 hộ nghèo, 21.295 hộ cận nghèo, 33.921 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhóm đối tượng này, nhất là nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất khi bị nhiễm Covid-19.

Chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân

Để hỗ trợ và giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh giảm bớt khó khăn, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện gói hỗ trợ theo các mức quy định cho các nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân lao động bị ảnh hưởng, Sở LĐ -TB& XH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu của các hộ gia đình có hoàn cảnh yếu thế, đặc biệt khó khăn có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra trong thời gian cách ly toàn xã hội, để trợ giúp đột xuất với định mức 15 kg gạo/người/tháng, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Hiện đã có khoảng có 4.101 hộ với 9.664 khẩu cần cứu trợ đột xuất, định mức 15kg/người/tháng tổng số gạo 144.960 kg.

Ngoài ra, Sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn việc tạm ngừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động; đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động bị mất việc làm.

Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp gửi hồ sơ và nhận kết quả về lĩnh vực lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp… qua thệ thống trực tuyến; qua điện thoại; qua bưu điện để giảm tối đa mức độ tập trung đông người và tiếp xúc xã hội trong thực thi công vụ. Chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chỉ đạo chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội trợ cấp tháng4-5/2020 cùng 1 kỳ chi trả thông qua cơ quan Bưu điện thực hiện.

Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các Cơ sở trợ giúp xã hội với phương châm vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, đảm bảo tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng xã hội tại cơ sở. Hiện tại có 5 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc ngành đang quản lý, nuôi dưỡng đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, đối tượng nghiện ma túy là 779 người. Sở đang đề nghị Ban Cứu trợ tỉnh hỗ trợ một số nhu yếu phẩm, lương thực và trang thiết bị cần thiết cho cán bộ, nhân viên và đối tượng, để góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid 19 tại cơ sở.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Quỳnh Hương để kịp thời triển khai gói hỗ trợ của Chính Phủ, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành thống kê và xây dựng phương án hỗ trợ cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 chuẩn bị trợ cấp theo hướng dẫn của trung ương. Dự kiến 20.779 có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 14.355 hộ nghèo, 21.295 hộ cận nghèo và 33.921 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Thái Nguyên: Sẵn sàng phương án triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ đến người dân - Ảnh 3.

Thái Nguyên hỗ trợ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt 15 kg gạo/nhân khẩu.

Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, bà Hương cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân; phát động mạng lưới xã hội hỗ trợ, quan tâm bảo đảm an toàn cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế (hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em,…) để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo dõi, nắm chắc tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (cập nhật, thống kê số liệu thường xuyên) để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp; hỗ trợ cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid19; hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động.