Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm

(Dân sinh) - Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, nhìn chung tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Sáng nay 4/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Theo Tổng Thanh tra, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ chỉ đạo cụ thể, quyết liệt.

“Năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”.

Theo ông Khái, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Luật Thi hành án hình sự... được triển khai nghiêm minh. Công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tăng cường. 

Bên cạnh đó việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ… cũng được quan tâm.

Một số kết quả đạt được có thể kể đến như việc kê khai tài sản, thu nhập tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, đạt tỉ lệ 99,9% số người phải kê khai. Công khai bản kê khai đạt tỉ lệ 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật tám trường hợp, đang xem xét xử lý hai trường hợp.

Ông Khái cho hay có sáu cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng; phát hiện, xử lý ba vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỉ đồng.

Toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.585 cuộc thanh tra hành chính và 252.499 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Năm 2019, qua công tác tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 26 vụ, 30 đối tượng, qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 69 vụ, 45 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán đã phát hiện nhiều trường hợp tham nhũng và bảy vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.

Ông Khái nhận định: “Trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Ở góc độ cơ quan thẩm tra báo cáo, Uỷ ban Tư pháp lưu ý, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng mặc dù được tăng cường nhưng vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý.

“Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện… Do đó, hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo trước Quốc hội.

Uỷ ban Tư pháp cũng nhấn thấy, năm 2019, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai tích cực, đồng bộ, có hiệu quả trên các mặt như: Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để xây dựng bộ máy Nhà nước thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác cán bộ…

Tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra, có trường hợp được bổ nhiệm gây bức xúc trong dư luận.

“Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp gây bức xúc trong dư luận”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho Quốc hội kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước.

Bên cạnh đó, theo Uỷ ban Tư pháp, vẫn còn tình trạng không công khai, lạm dụng bảo mật thông tin để không công khai hoặc nội dung công khai không cụ thể, nhất là trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng đất, lập dự án… làm cản trở việc tiếp cận thông tin của báo chí, người dân.