Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tham vấn xây dựng Bộ tiêu chí giao thông đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật

(Dân sinh) - Nhằm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật; Mục tiêu phát triển bền vững, chương trình nghị sự của Liên hợp quốc tầm nhìn đến năm 2030; Luật người khuyết tật, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng tổ chức “Hội thảo tham vấn xây dựng Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát” diễn ra ngày 15/11 tại Hà Nội.

Giao thông tiếp cận còn chưa phù hợp với NKT

Quyền được tham gia vào các hoạt động xã hội thông qua các không gian công cộng đã trở nên nhu cầu cũng như thói quen của rất nhiều người, trong đó có người khuyết tật. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu như các không gian công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật. Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 6,8 triệu NKT, chiếm gần 7,8% dân số.

Tham vấn xây dựng Bộ tiêu chí giao thông đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật cho biết, nhằm tạo điều kiện bảo đảm để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công trình công cộng, Luật người khuyết tật 2010 quy định việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận.

Bộ xây dựng cũng đã ban hành bộ Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2013 về xây dựng các công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng như Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Tiêu chuẩn về Nhà và công trình, đường và hè phố, nhà ở đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Bà Đinh Thị Thụy cho biết, Luật Người khuyết tật hiện nay quy định lộ trình cải tạo đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật như đến ngày 01/01/2020, các công trình công cộng phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật như: Trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; Nhà ga, bến xe, bến tàu; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở giáo dục, dạy nghề; Công trình văn hóa, thể dục, thể thao. 

Đến ngày 01/01/2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội còn lại phải đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Tham vấn xây dựng Bộ tiêu chí giao thông đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương tham gia thảo luận và đưa ra các giải pháp

Theo ThS. Phạm Anh Tuấn, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), người khuyết tật ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, và tham gia giao thông là nhu cầu tất yếu và ngày càng cao…

Mức độ giao thông tiếp cận được xem xét bởi 3 yếu tố chính là: Tiếp cận kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không); Tiếp cận phương tiện giao thông; Tiếp cận dịch vụ giao thông, gồm các dịch vụ về vận tải hành khách.

Ở Việt Nam hiện nay, chất lượng đường hè phố nhìn chung chưa bảo đảm yêu cầu của giao thông tiếp cận và chưa phù hợp với khả năng đi lại của người khuyết tật. Vỉa hè hầu như chưa lắp tấm lát dẫn đường.

Tại các nơi giao cắt khác cao độ như các lối sang đường, lối lên xuống hè phố chưa làm đường dốc, vệt dốc, chất lượng vỉa hè còn xấu, nhiều mấp mô. Các tiện nghi trên đường phố như điểm chờ xe buýt, ghế nghỉ, cột điện, đèn đường, cọc tiêu, biển báo... bố trí tại vị trí không hợp lý gây cản trở đi lại cho người khuyết tật .

Tham vấn xây dựng Bộ tiêu chí giao thông đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật - Ảnh 3.

4,8% phương tiện xe buýt đủ tiêu chuẩn cho NKT tiếp cận

Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mới chỉ có khoảng 4,8% phương tiện xe buýt đủ tiêu chuẩn và đáp ứng cho người khuyết tật tiếp cận, ở các địa phương khác còn thấp hơn. 

Đa số các bãi đỗ xe đều chưa có vị trí đỗ xe dành cho người khuyết tật.Về tiếp cận điểm dừng, nhà chờ của xe buýt, chưa được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn và yêu cầu của giao thông tiếp cận. Hầu hết các nhà chờ có lề đường quá cao, chưa có đường dốc cho người khuyết tật sử dụng xe lăn.

Ngoài ra chỉ tập trung tại 1 số tuyến nhất định. Và các thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh và hình ảnh có phụ đề cho người khuyết tật khiếm thị và khiếm thính mới được chú ý đầu tư ở một số tuyến xe buýt TP Hồ Chí Minh , Hà Nội. Có thể nói, hiện nay, ngành hàng không về tiếp cận giao thông cho người khuyết tật là đáp ứng tốt nhất.

Tham vấn xây dựng Bộ tiêu chí giao thông đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật - Ảnh 4.

Chia sẻ về tình trạng tiếp cận giao thông tại tỉnh Quảng Nam, Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam Nguyễn Văn Toàn cho biết, hiện Quảng Nam chưa thực hiện miễn, giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên cho người khuyết tật theo Điều 7 QĐ 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (theo đó thì UBND cấp tỉnh trợ giá cho người sử dụng DVVT buýt là người khuyết tật- trừ công ty CP Đầu tư PTHT quảng Nam đã tự thực hiện cấp 30 thẻ miễn phí 100% cho người khuyết tật và người bệnh nặng). Theo đó, ông Toàn cho biết, đến nay ở Quảng Nam, chưa có hình thức trợ giá từ Ngân sách Nhà nước.

Và hầu hết các điểm đầu cuối, điểm dừng, nhà chờ đều chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp cận cho người khuyết tật.

Cũng tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đề xuất một số giải pháp như: Cần có quy định xử phạt đối với những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng lộ trình cải tạo, nâng cấp cảng, bến hành khách đường thủy để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận; không thực hiện đúng việc giảm giá vé cho người khuyết tật; không hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật đi tàu.

Ngoài ra, cần ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ phục vụ trên các phương tiện và tại công trình đầu mối vận tải.

Rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp định kỳ. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư có trọng điểm đối với các đầu mối giao thông vận tải lớn, nơi thu hút lượng hớn hành khách là người khuyết tật. 

Quy định cụ thể tỷ lệ đầu tư phương tiện xe buýt đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phương tiện đảm bảo người khuyết tật tiếp cận.