Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hoá: Chống buôn lậu và gian lận thương mại

Từ đầu năm đến nay, nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã lợi dụng đại dịch COVID- 19, đã buôn bán hàng giả, hàng nhái... Đặc biệt là những mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID -19 như cồn sát khuẩn, máy đo nhiệt độ, khẩu trang y tế... Các ngành chức năng ở Thanh Hoá đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong hoạt động bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong thời gian phòng, chống dịch COVID- 19.

Nhiều phương thức trong buôn lậu, gian lận thương mại

Hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên các mặt hàng, lĩnh vực như: thuốc lá, áo quần nhập khẩu, đồ điện tử, đồ gia dụng… 

Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm, nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã lợi dụng đại dịch COVID- 19, các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID -19 như cồn sát khuẩn, máy đo nhiệt độ, khẩu trang y tế... được các đối tượng làm giả, làm nhái tinh vi để bán cho người dân, cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nhằm trục lợi bất chính.

Thanh Hoá: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại - Ảnh 1.

Cán bộ Quản lý thị trường Thanh Hoá phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Trên lĩnh vực hàng giả, hàng kém chất lượng, các đối tượng mua hàng có chất lượng thấp để đóng gói với nhãn hiệu có chất lượng, giá trị cao hơn hoặc giả các nhãn hiệu nổi tiếng lên quần áo, giày dép, gia dụng…để đưa vào các chợ, siêu thị, về các vùng nông thôn hoặc miền núi để tiêu thụ. Trên lĩnh vực hải quan, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để nhập khẩu, xuất khẩu hàng sai số lượng, mặt hàng, xuất khẩu mặt hàng cấm, không bảo quản nguyên trạng hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan, tự ý tiêu thụ hàng hoá được phép mang về tự bảo quản khi chưa có kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành…

Q.Cục trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, anh em các đội QLTT đã không quản ngại ngày nắng, ngày mưa tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, liên tục tập trung vào những mặt hàng an toàn thực phẩm và những hàng hóa thiết yếu khác được bày bán nhiều trong đợt phòng, chống dịch COVID - 19 này".  

Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sản phẩm giả mạo, kém chất lượng, vi phạm VSATTP, các Kiểm soát viên còn là người tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh làm tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại. Nhờ đó tình hình kinh doanh buôn bán trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định, từ các đại lý bán hàng nhỏ lẻ cho đến các đại lý lớn, các siêu thị cũng có ý thức chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết.

Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại

Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Q.Cục trưởng Chi cục QLTT Thanh Hoá: "Hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra. Tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu (thuốc lá ngoại, rượu ngoại, thuốc nổ công nghiệp, ma túy...) có chiều hướng gia tăng. Tình trạng gian lận thương mại còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực như: đo lường, chất lượng, giá, khuyến mại... Các ngành đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong hoạt động bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là có các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn".

Thanh Hoá: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại - Ảnh 2.

Cán bộ Quản lý thị trường Thanh Hoá phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các cây xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, tính đến giữa tháng 4, có 56 vụ việc bị xử lý. Trong đó, có 40 hành vi không niêm yết giá; 5 hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý; 2 hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; 10 hành vi để lẫn sản phẩm không phải là thuốc với thuốc; 2 hành vi không mở sổ hoặc sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 175 triệu đồng, tịch thu 8.800 khẩu trang y tế không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm hành chính. 

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá cũng đã triển khai ký cam kết về việc niêm yết giá, không tăng giá hàng hóa đối với 1.777 nhà thuốc, cơ sở y tế trên địa bàn. Bám sát chỉ đạo của cấp trên, cùng với việc phân tích, dự đoán, nắm bắt đúng tình hình, diễn biến thị trường. 

Cục QLTT – Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh đã chủ động triển khai kịp thời nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường công tác phối hợp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố; cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự tham gia của nhân dân đã tạo được bước chuyển biến trong việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại được nâng lên đã hạn chế đáng kể các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, để thị trường hàng hóa trên địa bàn Thanh Hóa thực sự ổn định thì bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các cán bộ QLTT – những người lính trên mặt trận chống buôn lậu và gian lận thương mại thì cũng rất cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự kiên quyết thông thái của người tiêu dùng trước các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Có như vậy sẽ góp phần bình ổn thị trường, chống thất thu ngân sách Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng

Song song với tăng cường cán bộ trực tiếp phụ trách, bám nắm cơ sở thì việc phối hợp lực lượng với các đơn vị liên quan trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa luôn được các Đội quản lý thị trường quan tâm thực hiện. Trong đó, nổi bật là tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và thị xã về kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân tuần tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là trong các dịp lễ tết. 

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng cũng còn không ít những bất cập như: lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra tuy nhiều nhưng lại chồng chéo giữa các ngành, không có phương tiện, công cụ hỗ trợ. Mặc khác, nhận thức của người dân về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng còn hạn chế, các cơ sở kinh doanh đã lợi dụng để đưa những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng hay những hàng đã hết hạn sử dụng vào để buôn bán. 

Trong những năm qua, chính quyền và cơ quan chức năng đã có những biện pháp đấu tranh phòng chống, song tình trạng vi phạm về điều kiện kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến khá phức tạp trên địa bàn. Do vậy, các cơ quan chức năng Thanh Hóa mà trực tiếp là Tổng Cục quản lý thị trường cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.

Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng thì rất cần sự vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông thái, nói "không" với các loại hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các loại hàng hóa được nghi là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt. các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần nghiêm túc thực hiện pháp luật kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật, góp phần tạo môi trường giao thương lành mạnh trên địa bàn.