Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hoá: Cội nguồn tạo nên sức mạnh

Thanh Hóa được ví như hình ảnh của Việt Nam thu nhỏ với 4 vùng địa lý - kinh tế đặc thù: miền núi, miền biển, đồng bằng và trung du.Ở nước ta, sông Hồng đã làm nên nền văn minh Việt phía Bắc thì sông Mã xứ Thanh cũng góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Và cũng chính là biểu tượng của Thanh Hoá – Cội nguồn tạo nên sức mạnh. Đất “thang mộc”, đất “quân vương” và cũng từng là đất kinh kỳ đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và tiếp cận với chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng ở trong nước và bên ngoài, thể hiện rõ sắc thái văn hóa xứ Thanh hội tụ và lan tỏa vào văn hóa Việt.

Đất “thang mộc”, đất “quân vương”. 

Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị, dòng văn hóa lịch sử sông Mã - bắt đầu từ văn hoá đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hoá đá mới (Đa Bút), văn hoá tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hoá đồ đồng với “Trống đồng Đông Sơn”, đã góp phần quan trọng cho kho tàng văn hoá Việt Nam phát triển rực rỡ, phong phú. 

Xứ Thanh – vùng đất của lịch sử, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm. Từ buổi bình minh trên núi Đọ - bình minh của loài người, xứ Thanh vinh dự và tự hào là quê hương trống đồng Đông Sơn với nền văn hóa – văn minh rực rỡ, nơi lưu lại nhiều dấu ấn đặc sắc về thời đại Hùng Vương, là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến, là cái nôi sản sinh nhiều bậc vua, chúa và các anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng. Chính bởi cái danh giá ngàn năm ấy đã đúc kết, hình thành một kho tàng văn học dân gian đa dạng, đặc sắc. Trong đó, xứ Thanh được xem như là xứ sở của truyền thuyết, huyền thoại.

Lễ hội Lam Kinh năm 2022

Lễ hội Lam Kinh năm 2022

Xứ Thanh nơi sản sinh và bảo tồn nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ và những dấu ấn văn hóa đặc sắc của cha ông trong chiều dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Di tích khảo cổ học: Núi Đọ, Con Mong, Đa Bút, Hoa Lộc, Đông Sơn... minh chứng xứ Thanh nơi xuất hiện những con người tối cổ và trường tồn cùng lịch sử dân tộc.Thanh Hóa cũng như Bắc bộ là cái nôi của làng xã cổ truyền. Trải thời gian, miền quê này vẫn còn lưu lại những tên gọi về làng xã có tự xa xưa như: kẻ, xá, trang, hương, phường, vạn. Ngày nay tên kẻ còn được nhiều làng, xã tỉnh Thanh quen gọi: kẻ Rị, kẻ Chè, kẻ Lở, kẻ Lào, kẻ Xộp, kẻ Mơ, kẻ Trường, kẻ Mom... Những tên gọi cổ xưa ấy đến nay vẫn được người dân sử dụng. Phương ngữ xứ Thanh có nhiều thổ ngữ cổ, cùng gốc Việt Mường.

Nếu đồng bằng châu thổ Bắc bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt thì ở xứ Thanh, đồng bằng sông Mã sản sinh và lưu giữ những câu chuyện cổ từ thuở hồng hoang lịch sử với các huyền thoại về ông khổng lồ đào sông cõng núi, mở xóm dựng làng, làm nên non sông đất Việt với những anh hùng có tên và không tên. Truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh của Bắc bộ theo dòng chảy của văn hóa Việt đến xứ Thanh còn in trên miền đất này với tục thờ thần núi Tản, thờ Thánh Gióng ở núi Sóc - Vĩnh Lộc ở làng Ngô, xã Thạch Lập, Ngọc Lặc. Truyền thuyết và đền thờ An Dương Vương và Mỵ Châu ở TP Sầm Sơn - thị xã Nghi Sơn, truyền thuyết thần Đồng Cổ ở Yên Định, truyền thuyết nàng Vọng Phu (núi Nhồi - TP Thanh Hóa )... in đậm trong tâm thức người dân xứ Thanh, hội tụ và lan tỏa trong hệ thống truyền thuyết, truyện cổ của dân tộc.

Ở nước ta, sông Hồng đã làm nên nền văn minh Việt phía Bắc thì sông Mã xứ Thanh cũng góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Và cũng chính là biểu tượng của Thanh Hoá – Cội nguồn tạo nên sức mạnh. Đất “thang mộc”, đất “quân vương” và cũng từng là đất kinh kỳ đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và tiếp cận với chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng ở trong nước và bên ngoài, thể hiện rõ sắc thái văn hóa xứ Thanh hội tụ và lan tỏa vào văn hóa Việt. Di sản văn hóa trải qua hàng nghìn năm kết tinh thành giá trị, đã hình thành sắc thái văn hóa xứ Thanh, lan tỏa và trường tồn.

Di sản Thế giới Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc - Thanh Hoá)

Di sản Thế giới Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc - Thanh Hoá)

Những giá trị văn hóa đó chính là tiềm năng vô cùng to lớn, kết tụ trí tuệ, tinh hoa và tâm hồn của cha ông trong trường kỳ lịch sử đấu tranh với thiên nhiên và trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Sắc thái văn hóa xứ Thanh phản ánh những giá trị bản địa, văn hóa cội nguồn, làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH, hội nhập và phát triển.

Mỗi ngọn núi, con sông trên đất Thanh Hoá đều là những địa danh ghi lại những dấu tích về văn hoá, lịch sử trong tiến trình thích ứng với thiên nhiên, chống thù trong, giặc ngoài để đứng vững và phát triển. Mỗi tên đất, tên làng đều thể hiện khát vọng về một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc bền vững của Nhân dân trên mảnh đất xứ Thanh.

Cội nguồn tạo nên sức mạnh

 Thanh Hoá đang bước vào một chặng đường phát triển mới với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá trong 15 tỉnh, thành của cả nước. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục đoàn kết, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh với đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, huy động sức mạnh của nhân dân để lãnh đạo thành công mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong nhiệm kỳ mới.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá sẽ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế; chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, triển khai các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn, ưu tiên công nghiệp phụ trợ, sản xuất lắp ráp ô tô; phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hình thức sản xuất tiên tiến, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch; từng bước phát triển vùng kinh tế ven biển; tạo sự đột phá về phát triển sản phẩm, chất lượng dịch vụ, định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng thời, quan tâm tổ chức sản xuất cho nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, tăng tính bền vững trong thu ngân sách, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo khi tỉnh Thanh Hoá tự cân đối ngân sách. Đồng thời, tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị hiện đại, tập trung cao cho việc thực hiện các dự án, công trình trọng tâm giai đoạn 2021-2025; thực hiện tốt công tác quy hoạch, sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát huy lợi thế về vị trí chiến lược, trung điểm vùng kinh tế Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa) làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển gắn với đổi mới cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc Thành phố Thanh Hoá

Một góc Thành phố Thanh Hoá

Thanh Hoá tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của quê hương; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển; khuyến khích thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người Kinh đô cổ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế, giáo dục; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. 

Thời gian tới, Thanh Hoá tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số. Tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, đang triển khai đầu tư xây dựng trên đia bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: Đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không, cảng biển. Nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư những hạ tầng quan trọng.

Thứ hai, tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và các khu du lịch phát triển kinh tế biển. 

Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phải xác định đến năm 2025, Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số PCI.

Thứ tư, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân. Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa phát triển kinh tế xã hội các địa phương phía tây tỉnh Thanh Hóa, nơi cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu ấn nút khởi công xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn (Thanh Hoá)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu ấn nút khởi công xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn (Thanh Hoá)

Thứ năm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người xứ Thanh với những phẩm chất quý báu là trí tuệ, năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung. Đây là một nguồn lực lớn, rất quan trọng để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tỉnh cần tập trung đầu tư cho giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong thời gian tới tỉnh Thanh Hoá cũng đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các việc theo chuyên đề với những quyết sách chiến lược, bài bản, khoa học, tổng thể, liên thông và đảm bảo tính khả thi cao; ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo nguồn lực; dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, hạn chế, rà soát tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách. Đồng thời, Thanh Hoá đổi mới tư duy, thực hiện tốt khâu đột phá xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; quyết liệt đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, địa phương và cấp tỉnh (PCI) thúc đẩy thu hút đầu tư. Với phương châm lấy Cội nguồn tạo nên sức mạnh để đưa Thanh Hoá phát triển mạnh mẽ hơn nữa.