Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa đẩy mạnh giảm thiểu tai nạn lao động lĩnh vực xây dựng

(Dân sinh) - Để hạn chế, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) trong lĩnh vực xây dựng, một ngành nghề luốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh các giải pháp quản lý, kiểm tra nhằm khắc phục tình trạng này.

Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho thấy, thực trạng an toàn trên các công trường xây dựng đã được các chủ thể tham gia hoạt động thực hiện tốt công tác quản lý ATVSLĐ theo quy định của pháp luật hiện hành. Công tác quản lý được các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, giám sát, nhà thầu thi công quan tâm và dầu tư huấn luyện ATLĐ, trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động, các biện pháp kỹ thuật an toàn và cải thiện điều kiện lao động. Trên các công trường xây dựng có đầy đủ rào ngăn, trạm gác, hệ thống biển cảnh báo. Đặc biệt đối với công trình điện, giao thông, hạ tầng rãnh thoát nước có rào chắn cứng, đèn tín hiệu chỉ dẫn và các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường….

Ông Lê Đình Tùng (bên trái), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa thăm, tặng quà cho thân nhân gia đình có người tử vong do TNLĐ nhân Tháng hành động ATVSLĐ năm 2023.

Ông Lê Đình Tùng (bên trái), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa thăm, tặng quà cho thân nhân gia đình có người tử vong do TNLĐ nhân Tháng hành động ATVSLĐ năm 2023.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ. Ông Lê Trần Thọ, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công trình xây dựng Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: “Có hai nguyên nhân chính, yếu tố khách quan do hi hữu xảy ra TNLĐ, BNN; Yếu tố chủ quan do một số nhà thầu chưa chú trọng công tác ATVSLĐ, chấp hành chưa tốt các nội quy, quy định về ATVSLĐ, chưa tổ chức cho người lao động tham gia các khóa huấn luyện ATVSLĐ, trang bị và bảo hộ cho người lao động chưa đầy đủ, không mua bảo hiểm cho người lao động; chưa tập huấn và vận hành thành thạo thiết bị, chưa xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, chưa bố trí bộ phận sơ cấp cứu chăm sóc, bảo vệ ngay tại vị trí xảy ra TNLĐ, BNN nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động có thể cứu sống được những người bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp nặng như đột quỵ, ngộ độc, ngất xỉu…Đối với một số doanh nghiệp lớn, chủ doanh nghiệp đã có ý thức cao trong đầu tư thiết bị bảo hộ lao động theo đúng quy định, thời gian thi công, làm việc đúng giờ. Tuy nhiên một số lao động phổ thông không sử dụng trang thiết bị vì cảm thấy vướng víu khi làm việc nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ…”.

Để hạn chế, ngăn ngừa TNLĐ, BNN ông Lê Trần Thọ cũng cho biết: “Trong những năm qua, Sở Xây dựng đều ban hành các văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng các công trình xây dựng. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, ATLĐ trong xây dựng chuyên ngành, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy trình, quy phạm, công nghệ xây dựng tiên tiến, áp dụng vật liệu mới trong thiết kế, thi công các công trình xây dựng cho các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để theo dõi, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình, ATLĐ. Cùng với đó, tổ chức giám sát, kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ; các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất ATLĐ cao đã được xác định trong kế hoạch tổng hợp về an toàn của các nhà thầu thi công xây dựng công trình”.

“Đối với các nhà thầu thi công xây dựng công trình, Sở Xây dựng đề nghị nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 2/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 63/BXD-GĐ ngày 6/1/2023 của Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng các công trình trên địa bàn và các thông tư của Bộ Xây dựng quy định về quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Sở cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác quản lý ATLĐ trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn; kiên quyết dừng thi công xây dựng nếu phát hiện tại công trình, công trường xây dựng có nguy cơ gây mất an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng theo quy định pháp luật; đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý ATLĐ làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố gây mất ATLĐ...”- ông Thọ thông tin thêm.