Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hoá: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

(Dân Sinh) - Thanh Hóa là tỉnh có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển tương đối đầy đủ, trải đều khắp các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động, trong những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp ở Thanh Hóa đã có nhiều đột phá trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Trong những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn nghành, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Theo số liệu thống kê, sau khi rà soát, sáp nhập, cuối năm 2020 toàn tỉnh Thanh Hóa có 88 cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong đó có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 32 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Quang Huy cho biết: "Thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động. Trong những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp ở Thanh Hóa đã có nhiều đột phá trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về tăng cường tính tự chủ, các cơ sở GDNN đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp". 

Thanh Hoá: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hoá

"Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp, đồng thời mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, nhằm cung ứng, mở rộng và phát triển thị trường lao động" - Phó GĐ Nguyễn Quang Huy cho biết thêm.

Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tuyển sinh đào tạo khoảng 213.000 người, trong đó cao đẳng 9.600 người, trung cấp 34.700 người, sơ cấp 122.500 người, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 46.200 người. Đa số các em học sinh, sinh viên sau khi học nghề đều tìm được việc làm phù hợp, tự nuôi sống được bản thân và gia đình; chất lượng của đội ngũ nhà giáo không ngừng được nâng cao. 

Cũng trong giai đoạn này, Thanh Hoá đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 710 giáo viên, người dạy nghề về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, phương pháp giảng dạy tích hợp, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp. Phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho 200 cán bộ quản lý. Các cơ sở GDNN ngày càng được tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp. Mở rộng thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng tay nghề cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thanh Hoá: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 2.

Đào tạo nghề điện tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hoá

Hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động trong và ngoài nước

Nhận thức việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học sinh, sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng hòa nhập với thị trường lao động. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, các nhà trường đã liên tục rà soát lại hệ thống các ngành nghề đào tạo, chú trọng tới các lĩnh vực đang được thị trường quan tâm, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ...

Số người được đào tạo nghề ngày càng tăng nhanh, do đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm sau cao hơn năm trước. Bằng nhiều hình thức liên kết, phối hợp như phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; sử dụng thiết bị của doanh nghiệp để dạy thực hành, học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.... các trường đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, điều đó giúp trường vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành để sát với yêu cầu thực tiễn về công nghệ.

Phó giám đốc Phạm Quang Huy cho biết thêm: "Các cơ sở, trường nghề đã tập trung đào tạo các nhóm nghề có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động; cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng, ký túc xá, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, giúp người lao động ra trường có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là trình độ trung cấp và cao đẳng đối với nhóm nghề kỹ thuật công nghiệp".

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Đến nay, nhà trường đã đào tạo và cung ứng lao động theo đơn đặt hàng của Công ty CP LILAMA 18, 69-1, 5; Công ty CP COMA 17 các nghề Điện công nghiệp, Điện lạnh, Công nghệ ô tô, Hàn, Tiện, Cắt gọt kim loại, mức thu nhập bình quân hiện nay từ 8-10 triệu đồng/tháng. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động. Đã có sự nhận thức tích cực của người lao động về học nghề. Nhà trường đã liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo, giải quyết đầu ra cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động..."