Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn

Sáng 27/4, tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn.

Hoàng đế Lê Đại Hành, húy là Lê Hoàn (SN 941) tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu, nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mẹ qua đời sớm, được một vị quan tên là Lê Đột nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng. Lớn lên, Lê Hoàn đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn; là người trí dũng hơn người, tính tình phóng khoáng nên được Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh yêu mến, giao cho cai quản hàng ngàn binh sĩ. Sau khi lên ngôi vua, Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng phong cho Lê Hoàn chức Thập đạo Tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ, cai quản quân đội của Đại Cồ Việt và trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình. Tháng 10 năm Kỷ Mão 979, vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được đồng thuận tôn lên ngôi vua để lo việc đại sự.

Lễ trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cho tỉnh Thanh Hóa

Lễ trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cho tỉnh Thanh Hóa

Lê Hoàn xưng Đế vào năm Canh Thìn (năm 980), sau đó vua thân chinh đi đánh giặc và đã lập nên chiến công hiển hách phá Tống, bình Chiêm – mãi mãi là niềm tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Không chỉ tài thao lược, đánh trận, trong suốt thời gian trị vì, Hoàng đế Lê Đại Hành còn thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc và được xem là người đã đặt nền móng ngoại giao cho nước Việt với các quốc gia lân bang. Đồng thời, Hoàng đế Lê Đại Hành đã thực hiện nhiều cải cách tiến bộ vượt bậc, làm cho đất nước luôn bình yên, cuộc sống của Nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Năm Ất Tỵ (năm 1005), Hoàng đế Lê Đại Hành băng hà, thọ 64 tuổi. Để tỏ lòng tri ân công đức cao dày của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành đối với dân tộc, sau khi Hoàng đế băng hà, Nhân dân đã lập đền thờ ở nơi sinh ra ông để thường xuyên thờ phụng. Cùng với xây dựng Đền thờ, các thế hệ người dân trong vùng đã hình thành và phát triển nên một lễ hội đặc sắc - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.

Lễ dâng hương, tấu trình chúc văn tại đền thờ Lê Hoàn

Lễ dâng hương, tấu trình chúc văn tại đền thờ Lê Hoàn

Lễ hội được thể hiện qua các nghi lễ truyền thống tái hiện lại nhiều tục lệ rất độc đáo gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân dưới triều Hoàng đế Lê Đại Hành, các “Trại binh thời Lê Hoàn”, tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian... Với những giá trị to lớn và nét độc đáo, năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đã được ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội bắt đầu với nghi thức truyền thống: rước kiệu, dâng hương, tấu trình chúc văn kính cáo anh linh Hoàng đế Lê Đại Hành và các bậc tiền nhân.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn cho tỉnh Thanh Hóa.

Sau các nghi thức phần lễ, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đánh trống khai hội Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023.

Tiếp sau màn đánh trống khai hội là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: “Hoàng đế Lê Đại Hành – Chiến công ghi mãi ngàn năm”. Chương trình nghệ thuật đã tái hiện sự nghiệp phá Tống, bình Chiêm hiển hách của Hoàng đế Lê Đại Hành; tài ngoại giao, xây dựng, kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt và khẳng định sự đổi mới, phát triển của vùng đất Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn nhằm tri ân công đức cao dày của anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành thể hiện niềm tự hào về những đổi thay, phát triển của quê hương Thanh Hóa hôm nay; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh dựng nước, giữ nước cho thế hệ trẻ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với thúc đẩy du lịch địa phương.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia.