Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa khai mạc Lễ hội Lê Hoàn

Sáng 8/4, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, UBND huyện Thọ Xuân đã khai mạc Lễ hội Lê Hoàn năm 2022, tưởng niệm 1017 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng đế.

Lê Hoàn sinh ra và lớn lên tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu, nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong bối cảnh đất nước bị các thế lực địa phương nổi lên và cát cứ gây loạn 12 sứ quân.

Một trong những chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc tại Lễ hội Lê Hoàn 2022

Một trong những chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc tại Lễ hội Lê Hoàn 2022

Ông đã sớm gia nhập đội quân của Đinh Bộ Lĩnh và được giao 2.000 quân sĩ đánh dẹp 12 sứ quân, được phong giữ chức Thập đạo tướng quân.

Năm Kỷ Mão (979) triều đình nhà Đinh xảy ra biến loạn, đứng trước họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc, với tầm nhìn sâu rộng và tư tưởng chọn người đứng đầu trí dũng song toàn, được sự đồng thuận của ba quân tướng sĩ, Dương Thái Hậu đã lấy long cổn mặc cho Thập đạo tướng quân, kiêm phó vương nhiếp chính, lên ngôi Hoàng đế.

Lê Hoàn đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đánh tan cuộc xâm lược quy mô của triều đình nhà Tống, giữ yên bờ cõi, mang lại bình yên cho đất nước.

Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Hoàn đã đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lấy miếu hiệu là Lê Đại Hành Hoàng đế, mở ra triểu đình Tiền Lê hiển hách, để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã kính cẩn dâng hương tưởng nhớ công lao của Lê Đại Hành Hoàng đế.

Lễ hội Lê Hoàn năm 2022 diễn ra là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện mở cửa du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội mở đầu phần trống hội với chủ đề “Hào khí xứ Thanh, tinh hoa hội tụ”; chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề: “Lê Hoàn một vị tướng - một vị vua, văn võ kiêm toàn”.

Trong khuôn khổ lễ hội, từ ngày 6 đến 8/4 diễn ra các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng, nhảy sạp, bài điếm; tổ chức hội trại binh, giới thiệu sản vật, đặc sản của địa phương...