Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo

(Dân sinh) - Bằng việc thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo hiệu quả, trong những năm qua công tác giảm nghèo ở Thanh Hóa đã có bước cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng lên…

Đổi thay nhờ chính sách

Thực hiện Chương trình 30a về Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, từ năm 2016 - 2019, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư, xây dựng 120 công trình gồm: 46 công trình đường; 17 công trình kênh, mương; 39 công trình trường học; 3 công trình trạm y tế; 5 công trình kè chống triều cường; 1 công trình cầu; 9 công trình nhà văn  hóa. Đối với dự án 3 về Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, Thanh Hóa đã hỗ trợ khoán, chăm sóc, bảo vệ 667.027 ha rừng; hỗ trợ mua 3.939.318 liều vắc xin tiêm phòng các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, tai xanh, cúm cho gia súc, gia cầm tại các huyện nghèo. Các địa phương đã triển khai thực hiện 265 dự án phát triển sản xuất, trong đó: 193 dự án chăn nuôi, 57 dự án trồng trọt, 7 dự án thủy sản, 4 dự án lâm nghiệp và 4 dự án phát triển ngành nghề với 41.900 hộ được hỗ trợ. Giai đoạn 2016-2019, có 73.857 hộ nghèo được vay vốn với số tiền 2.726 tỷ đồng.

Mô hình nuôi lợn rừng, vịt Cổ Lũng cho hiệu quả kinh tế cao của anh Lục Văn Nam ở bản Khuyn, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Ảnh: Hoàng Đông)

Đối với hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, giai đoạn từ 2017 - 2020 Thanh Hóa triển khai 47 mô hình. Tổng kinh phí thực hiện là 19.172 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương: 14.300 triệu đồng; vốn đối ứng địa phương: 88 triệu đồng; vốn đối ứng các hộ tham gia mô hình: 4.784 triệu đồng. Có 1.806 hộ được tham gia mô hình, trong đó có 1.346 hộ nghèo, 435 hộ cận nghèo, 31 hộ mới thoát nghèo, 183 hộ có chủ hộ là nữ, 1.347 hộ là người dân tộc thiểu số.

Hoạt động hỗ trợ phát, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển đã hỗ trợ 9.832 hộ gia đình tham gia thực hiện 107 mô hình, dự án (72 mô hình chăn nuôi, 29 mô hình trồng trọt, 05 mô hình thủy sản, 01 mô hình phát triển ngành nghề và dịch vụ).

Với dự án Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Cương trình 30a, từ năm 2016 đến hết năm 2019, Thanh Hóa đã đưa 970 người là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ lãi suất tiền vay cho người lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 74,782 tỷ đồng. Các chính sách tập trung hỗ trợ chính như: Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo; hỗ trợ tiền đi lại, cung cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, visa và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Thực hiện Chương trình 135 – Tiểu dự án 2 về Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản ĐBKK. Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 677 dự án phát triển sản xuất, trong đó có 586 dự án chăn nuôi, 79 dự án trồng trọt, 3 dự án thủy sản, 4 dự án lâm nghiệp và 6 dự án phát triển ngành nghề với 29.664 hộ được hỗ trợ.

Đối với Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020 triển khai 65 mô hình. Tạo điều hiện cho 2.081 hộ tham gia mô hình, trong đó: 1.574 hộ nghèo, 461 hộ cận nghèo; 46 hộ mới thoát nghèo; 343 hộ có chủ hộ là nữ; 1.185 hộ là DTTS.

Đối với các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 đã hỗ trợ cho 200 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo tham gia 6 dự án chăn nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã thuộc 5 huyện là: Yên Định, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Nông Cống và Đông Sơn. Triển khai được 96 mô hình nhân rộng các mô hình giảm nghèo…

Ngoài ra, một số chương trình, dự án khác đã góp phần hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo hiệu quả, làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Hiệu quả tích cực

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 118.887 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 10.006 hộ); tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,50% (từ 13,51% xuống 1,01%). Trong đó: Khu vực 11 huyện miền núi giảm 51.916 hộ, bình quân giảm 4,66%/năm; khu vực các huyện đồng bằng, ven biển giảm 61.349 hộ, bình quân giảm 2,06%/năm; khu vực thành phố, thị xã giảm 5.622 hộ, bình quân giảm 0,85%/năm.

Thanh Hóa: Lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo - Ảnh 2.

Làm đường giao thông tại xã Thanh Phong, huyện Như Xuân

Theo kết quả thống kê, tính toán sơ bộ, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của hộ nghèo ở Thanh Hóa đạt khoảng 1,487 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,17 lần cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1,713 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,50 lần cuối năm 2015 (cuối năm 2015 khoảng 685.000 đồng/người/tháng), đạt mục tiêu Chương trình đề ra.

Tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có số người tham gia BHYT là 3.152.059 người. Trong đó có 2,7 triệu lượt người nghèo, người cận nghèo, người DTTS được khám, chữa bệnh BHYT. Đã có 800.978 lượt học sinh được miễn, giảm học phí, 105.073 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở. Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non đạt 99,92%; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt 98,36% (mức độ 3); tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS đạt 95,5%. Dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non đạt 99,94%; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt 98,65%; tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS đạt 96,08%...

Cuối năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có 7.119 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền 177,83 tỷ đồng; 2.637 hộ được hỗ trợ làm nhà ở phòng tránh bão lụt. Có 195.888 hộ dân được hỗ trợ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn...

Tỉnh Thanh Hóa đã có huyện Như Xuân thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Năm 2016, toàn tỉnh có 100 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên, đến nay chỉ còn 7 xã và dự kiến đến cuối năm 2020 không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên. Đã có 5 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ) và 55 thôn/bản đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135 (theo Quyết định 958/QĐ-UBDT ngày 13/12/2019 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc).

Các phường Ba Đình, Điện Biên, Trường Thi, Lam Sơn, Đông Vệ, Ngọc Trạo, Đông Sơn và các xã Đông Tân, Đông Hưng, Quảng Thịnh của thành phố Thanh Hóa; thị trấn Rừng Thông của huyện Đông Sơn không còn hộ nghèo; nhiều xã, phường chỉ còn hộ nghèo bảo trợ xã hội (không còn lao động, khó có khả năng thoát nghèo).

Đầu năm 2017, toàn tỉnh từ 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đến nay chỉ còn 12 xã (trong đó: 2 xã lên phường theo Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 ngày 19/4/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).

Với những kết quả đạt được, mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 2,5%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét; thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tăng cường; các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.