Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Người dân mòn mỏi chờ nước sạch

(Dân sinh) - Nhiều năm nay, hàng ngàn nhân khẩu xã Tế Thắng (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) luôn mòn mỏi chờ nước sạch. Nguồn nước giếng khoan không đảm bảo, người dân nơi đây phải tìm mọi cách để có nguồn nước đảm bảo sinh hoạt, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn…

Nằm ngay gần trung tâm huyện Nông Cống, xã Tế Thắng có 1567 hộ, với 5760 nhân khẩu chưa được tiếp cận với nước sạch. Nước giếng khơi hoặc đã khoan sâu xuống đất vài chục mét nhiều xóm có màu đen như có lẫn quặng, còn khu vực khác lại màu vàng khè. Đem nguồn nước này đun sôi thì dưới đáy ấm có một lớp kết tủa, lâu ngày thành cả tảng. Chính vì vậy mà người dân ở đây không dám sử dụng nguồn nước này cho ăn uống.

Để tự cứu mình tránh bệnh tật, lâu nay họ mỗi hộ phải xây dựng một bể nước lộ thiên để chờ trời mưa. Trong trường hợp không có mưa hoặc nhu cầu sử dụng quá lớn thì người dân đành "cắn răng" ra mua nước bình về sử dụng, khiến người dân họ thêm một gánh nặng, để cái nghèo đeo bám.

Thanh Hóa: Người dân mòn mỏi chờ nước sạch - Ảnh 1.

Nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, khiến cuộc sống người dân xã Tế Thắng bị đảo lộn

Có mặt tại làng Thổ Vị, xã Tế Thắng, dù đang là chính vụ gặt (tháng 9), nhưng trong làng chỉ lưa thưa người. Làng nằm dưới chân núi Nưa, nơi có trữ lượng quặng A-mi-ăng trong đất đá khá lớn.

Trước đây hễ nhắc đến Thổ Vị là người ta đã gai gai người vì nó gắn liền với "làng ung thư". Không có thống kê chính xác số người mắc căn bệnh quái ác nhưng khoa học đã chứng minh bụi toả ra từ các sợi A-mi-ăng là rất độc hại đối với sức khoẻ con người.

Vì sẵn có đá ở chân núi nên người dân Thổ Vị từ nhiều đời vẫn dùng đá có chứa sợi A-mi-ăng để kè giếng lấy nước sinh hoạt. Nhưng rồi khi thấy trong làng có nhiều người chết do ung thư nên họ hoang mang và không dám sử dụng loại đá ấy nữa. Cộng với hiệu quả kinh tế không nhiều từ việc đồng áng nên những thanh niên, người có sức khỏe trong làng đều bỏ quê đi các nơi lập nghiệp.

Thấy có khách, bà Nguyễn Thị Hợp đon đả: "Các bác ở tỉnh vào khảo sát, lắp đặt cho dân chúng tôi ạ, quý hóa quá! Cả cái làng này không nhà nào dám dùng nước giếng khoan để ăn uống vì nước bẩn và có phèn, thậm chí còn có chất nhớt, dính. Nước bơm lên tôi phải lọc hai lần nhưng cũng chỉ dùng để rửa ráy, tắm giặt. Mặc dù tốn kém nhưng vì lo cho sức khỏe gia đình nên gia đình đành bỏ tiền mua nước bình đóng sẵn để dùng trong ăn uống. Làng này có nhiều người bị ung thư rồi, có bao nhiêu tài sản bán hết chữa bệnh cũng chẳng khỏi. Rồi ra bãi tha ma hết cả!" Khi biết chúng tôi là nhà báo, bà Hợp mới chưng hửng. "Dân ở đây ai cũng mong mỏi địa phương sẽ sớm có dự án nước sạch để đỡ phải sống trong cảnh thiếu thốn và đợi chờ như hiện nay. Mong các anh phản ánh dùm cho, chứ dân chứng tôi kêu không thấu"!

Thanh Hóa: Người dân mòn mỏi chờ nước sạch - Ảnh 2.

Trường mầm non xã Tế Thắng phải đầu tư nhiều bể nước mưa để phục vụ ăn bán trú cho các cháu

Trở ra thôn 5, xã Tế Thắng, chị Nguyễn Thị Lan than thở: "Tôi ở nơi khác về đây lấy chồng, nước có vị mặn, không biết là nhiễm chất gì nhưng đồ dùng trong nhà bằng kim loại mà rửa qua là gỉ hết, quần áo giặt thì ố vàng. Nhà tôi khoan giếng cũng khó khăn lắm, khoan mấy lần mới có nước. Giếng sâu hơn 50m mà vẫn bị cạn kiệt vào mùa khô. Hiện tại tôi phải xin nước nhà hàng xóm, cứ hai ngày phải bơm một lần nên cũng vất vả. Chồng tôi đang đi làm ăn xa, khi nào về sẽ khoan cái mới, chứ không thể xin thế này mãi được. Nhà tôi cũng phải mua một bể chứa nước mưa để phục vụ cho việc ăn uống hàng ngày".

Không chỉ người dân địa phương than thở, tại Trường Mầm non xã Tế Thắng có hàng trăm cháu ăn bán trú nên sức ép về nước sạch ngày một lớn. Tại trường có một cái giếng khoan nhưng chỉ dùng để rửa, vệ sinh, còn ăn uống thì hoàn toàn dùng nước mưa. Trường đã đầu tư 4 bể nước mưa, mỗi bể chứa khoảng 20 – 30 m3 nước. Lượng nước mưa trong các bể được lọc thủ công qua cát, sỏi dùng để ăn uống quanh năm. Mong muốn của nhà trường là sớm có nguồn nước sạch để việc sinh hoạt hàng ngày của cô trò được đảm bảo.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng Hoàng Văn Khánh cho hay: "Nguồn nước của xã rất khan hiếm, đã vậy 80-90% nước giếng khoan của xã có vị mặn, màu vàng, chứa sắt. Nhà nào cũng phải sắm thêm một bể chứa nước mưa để dùng cho việc ăn uống. Trước nhu cầu cấp thiết của người dân, đầu năm 2017 tỉnh chấp thuận cho dự án nước sạch của công ty Việt Thanh nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy triển khai".

Cũng theo vị chủ tịch UBND xã Tế Thắng, năm 2018, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cũng có dự án hỗ trợ người dân xã Tế Thắng sớm tiếp cận nước sạch thông qua việc đấu nối đường ống nước từ chi nhánh cấp nước thị trấn Nông Cống. Tuy nhiên dự án này không được UBND tỉnh chấp thuận, vì bị chồng với dự án của Việt Thanh. Xã và người dân đang rất mong mỏi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện cũng như doanh nghiệp nhanh chóng có giải pháp đưa nguồn nước sạch về với địa phương.

Được biết, tháng 10/2018, Dự án Sức khỏe môi trường VEF-AF, do Viện PHAD đề xuất triển khai tại một số xã, trong đó có xã Tế Thắng, nguồn vốn do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Dự án muốn được hỗ trợ người dân nông thôn sớm được tiếp cận nguồn nước sạch.

Tuy nhiên ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn về việc giải quyết các đề nghị của Viện PHAD liên quan đến dự án này. Công văn nêu rõ: Do các xã Tế Tân, Tế Lợi, Tế Thắng, huyện Nông Cống thuộc phạm vi cấp nước của dự án Hệ thống nước sạch nông thôn liên huyện Việt Thanh VnC, do Công ty cổ phần Việt Thanh VnC làm chủ đầu tư, đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 20/4/2017, số 4429/QĐ-UBND ngày 20/11/2017, nên việc Viện PHAD đề nghị như trên là không phù hợp với thực tế.

Như vậy dự án Sức khỏe môi trường của Viện PHAD do Hoa Kỳ tài trợ đã không được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận thực hiện tại Tế Thắng, vì đã có dự án mà Công ty Việt Thanh đang thực hiện. Tuy nhiên, đến nay Công ty Việt Thanh vẫn chưa có tín hiệu gì về thực hiện dự án nước sạch để "cứu" dân?.