Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Những dấu ấn trong công tác chăm sóc cho NCC

(DÂN SINH) - Để đạt được mục tiêu 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng. Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện chính sách và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho NCC.

 Trong những ngày cuối tháng 8, PV báo Dân Sinh có cuộc trao đổi nhanh với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Trịnh Ngọc Dũng.

Thanh Hóa: Những dấu ấn trong công tác chăm sóc cho NCC - Ảnh 1.

PV: Được biết, Thanh Hoá là tỉnh có truyền thống yêu nước và cách mạng. Thanh Hoá cũng được biết đến là thực hiện tốt công tác chăm sóc NCC. Ông cho biết các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho NCC ở Thanh Hoá.

Giám đốc Trịnh Ngọc Dũng: Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực, nỗ lực cùng với cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tham gia hưởng ứng các phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa". Thanh Hoá hiện nay đang quản lý 329.824 người có công, trong đó: 4.573 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 128 Mẹ còn sống, hơn 56.000 liệt sĩ, gần 46.000 thương binh; hơn 16.000 bệnh binh, hơn 18.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiếm chất độc hóa học và có trên 200.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế. Toàn tỉnh hiện đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 74.000 đối tượng người có công và thân nhân, với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng/tháng.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong 02 năm (2018-2019), các cấp, các ngành trong tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho 46 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 673 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 42 trường hợp là liệt sĩ, 52 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 5.118 thân nhân người có công; tiếp nhận và di chuyển 782 hồ sơ người có công; ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 82.268 lượt người; trình Bộ LĐ-TB&XH cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 1.961 liệt sĩ.

Thanh Hóa: Những dấu ấn trong công tác chăm sóc cho NCC - Ảnh 2.

Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến thăm và tặng quà TT ĐD NCC Thanh Hoá

Hằng năm, có hơn 100.000 người có công và thân nhân được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ; gần 15.500 lượt người có công với cách mạng được điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và 100% người có công và thân nhân người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định.

PV: Được biết, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở Thanh Hoá là việc làm thường xuyên. Ông cho biết về công tác này ở Thanh Hoá?

Giám đốc Trịnh Ngọc Dũng: Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã tích cực tham gia các phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ ...

Trong 2 năm (2018-2019) đã huy động sự đóng góp của nhân dân được hơn 38 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới 338 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà ở và tặng 408 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời". Cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 666 hộ nghèo có thành viên là người có công có công với cách mạng. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hoá, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đến quý II năm 2020, toàn tỉnh đã có 354 hộ thoát nghèo, đạt 53,15% kế hoạch; phấn đấu đến hết năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú và không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Có thể nói phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công ở Thanh Hoá đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những tình cảm và việc làm thiết thực đó đã góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.

PV: Ông cho biết, Thanh Hoá đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho NCC như thế nào?

 Giám đốc Trịnh Ngọc Dũng: Để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho NCC. Trong nhiều năm qua, Thanh Hoá luôn đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá cũng đã quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình liệt sĩ thăm viếng phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang…

Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, tổng hợp những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định về chính sách đối với người có công để kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh kịp thời. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", bảo đảm thiết thực, sâu rộng, hiệu quả; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa". Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị cấp ủy và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.

PV: Được biết, Thanh Hoá phấn đấu 100% hộ người có công luôn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú vào cuối năm 2020, để đạt được kết quả này, Thanh Hoá có những giải pháp gì?

Giám đốc Trịnh Ngọc Dũng: Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, người đứng đầu cơ quan trong việc tham gia giám sát thực hiện chính sách người có công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Giải quyết kịp thời các đơn thư của người dân. Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công; chỉ đạo các địa phương giải quyết kịp thời các hồ sơ theo đúng quy định, không để hồ sơ tồn đọng tại cơ quan quản lý các cấp.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách người có công nhằm phát hiện những sai sót và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội cùng tham gia chung tay góp sức chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của gia đình người có công, triển khai phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn một cách sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh...

Thanh Hoá phấn đấu cuối năm 2020, 100% hộ người có công luôn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, thân nhân liệt sĩ và người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".