Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hoá: Phát triển thị trường lao động, đáp ứng cung - cầu việc làm

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Lê Đình Tùng cho biết: “Trong những năm qua, Thanh Hoá đã thực hiện dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có sự đóng góp không nhỏ trong công tác GQVL mới cho lao động tại địa phương”.

Ngay từ đầu giai đoạn, tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động giai đoạn 2016-2020. Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 07/03/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020. Công văn số 467/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 17/2/2017 của Sở Lao động – TB và Xã hội về việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường lao động. Ngoài ra, hàng năm Sở Lao động - TB và Xã hội đều xây dựng và ban hành phương án thu thập, cập nhật thông tin cung - cầu lao động làm cơ sở triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Thanh Hoá: Phát triển thị trường lao động – Đáp ứng nhu cầu giữa Cung – Cầu việc làm - Ảnh 1.

Đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng với thị trường lao động

Giai đoạn 2016-2020, Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm trong Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động được Trung ương phân bổ 3.397 triệu đồng . Năm 2017, do nguồn kinh phí được phân bổ vào quý IV không kịp triển khai thực hiện, nên đã được chuyển nguồn năm 2018 để tiếp tục triển khai thực hiện. Ngân sách thực hiện: Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa năm 2017 được Trung ương đầu tư 3.700 triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sàn giao dịch việc làm. TT DVVL Thanh Hóa ngày càng được hiện đại hóa. 

Hiện nay, sàn giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ vào thứ 2 hàng tuần tại TT DVVL. Ngoài ra, TT còn mở thêm các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, vùng kinh tế trọng điểm; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm định hướng việc làm trước khi sinh viên, học sinh ra trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nắm bắt được thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước. 

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh bạn tổ chức các Phiên Giao dịch việc làm Online dành cho đối tượng là lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (theo chương trình EPS), thực tập sinh tại Nhật Bản (theo chương trình IM Japan) về nước; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều đợt tư vấn cộng đồng, tổ chức "Ngày hội việc làm" tại các huyện, thị xã, thành phố đã thu hút hàng ngàn lượt người lao động tham gia.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Lê Đình Tùng cho biết: "Việc hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực, hiện đại hóa TT DVVL đã góp phần đẩy nhanh kết nối cung - cầu lao động, làm cho người lao động dễ dàng tìm đến với doanh nghiệp tuyển dụng, giảm được chi phí cũng như thời gian đi lại của cả hai bên. Qua các kết quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm cho thấy mô hình đã giải quyết tối đa các nhu cầu về việc làm tại địa phương với đa dạng các đối tượng như: Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; lao động thất nghiệp, lao động tìm kiếm việc làm thêm..."

Hoạt động hỗ trợ giao dịch việc làm giai đoạn 2016-2020, Trung ương phân bổ hoạt động hỗ trợ giao dịch việc làm 560 triệu đồng (năm 2017 là 150 triệu đồng, năm 2018 là 90 triệu đồng, năm 2019 là 100 triệu đồng, năm 2020 là 220 triệu) cùng với nguồn ngân sách địa phương là 1.530 triệu đồng (năm 2016 là 330 triệu đồng, năm 2017 là 330 triệu đồng, năm 2018 là 300 triệu đồng, năm 2019 là 270 triệu đồng, năm 2020 là 300 triệu đồng) đã góp phần nâng cao chất lượng và số lượng các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức được 212 phiên giao dịch việc làm có 3.461 lượt doanh nghiệp tham gia, có 158.920 lượt lao động tham gia và có 32.599 lượt lao động tìm được việc làm. Để góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Trung ương phân bổ 2.277 triệu đồng (năm 2017 là 572 triệu đồng, năm 2018 là 485 triệu đồng, năm 2019 là 620 triệu, năm 2020 là 600) cùng với nguồn ngân sách địa phương là 7.500 triệu đồng (mỗi năm 1.500 triệu đồng)

Thực hiện Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, Sở Lao động – TB và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động giai đoạn 2016-2020.

Giai đoạn 2016-2020, cơ sở dữ liệu cung lao động đã giúp các địa phương nắm được các thông tin cơ bản về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp và biến động lao động qua từng thời kỳ, địa bàn, làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực, hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm của địa phương; đồng thời chủ động trong khai thác dữ liệu, số liệu báo cáo từ cơ sở dữ liệu cung lao động. Hàng năm, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc thu thập, cập nhật thông tin cung lao động của gần 950.000 hộ gia đình, bình quân mỗi năm có khoảng 250.000 hộ gia đình có biến động thông tin. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở tiến hành nhập tin theo quy định.

Giai đoạn 2016-2020, cơ sở dữ liệu cầu lao động đã giúp các địa phương nắm được thông tin cơ bản, chính xác của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động, biến động lao động theo nghề, trình độ đào tạo, nhu cầu tuyển lao động, làm cơ sở để định hướng đào tạo và bố trí hợp lý nguồn nhân lực. Hàng năm, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp điều tra cầu lao động cho trên 6.000 doanh nghiệp có hạch toán kinh tế độc lập đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Phát triển mạng thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người, giai đoạn 2016-2020, Trung ương phân bổ 360 triệu đồng (năm 2017 là 70 triệu đồng, năm 2018 là 60 triệu đồng, năm 2019 là100 triệu đồng, năm 2020 là 130 triệu đồng). TT DVVL làm đã thực hiện nâng cấp máy chủ, hệ thống đường truyền, thiết bị mạng phục vụ hoạt động phát triển mạng thông tin việc làm. Giai đoạn 2016-2020, Số việc làm trống được thu thập là 188.161 việc làm, số người tìm việc được thu thập là 28.390 lao động.

Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn; lao động di cư. Năm 2020, Trung ương phân bổ 200 triệu đồng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn; lao động di cư. TT DVVL đã tư vấn định hướng nghề nghiệp cho 16.427 lượt người, giới thiệu việc làm thành công cho 826 người.

Phó Giám đốc Lê Đình Tùng cho biết thêm: "Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai rộng khắp. Sau 5 năm, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến rõ rệt, giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ phát triển; thị trường lao động được thúc đẩy; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động".

"Trong thời gain tới, đề nghị Cục Việc làm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm; từng bước chuẩn hóa đội ngũ nhân lực làm công tác dịch vụ việc làm thông qua việc thi để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm; tạo điều kiện cho các Trung tâm Dịch vụ việc làm học tập, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức các phiên giao dịch việc làm và nhân rộng những mô hình, phương thức tổ chức hiệu quả. Đề nghị Cục Việc làm nghiên cứu tiếp tục nâng cấp, sửa lỗi phần mềm cung, cầu lao động để triển khai đồng bộ trong cả nước" – ông Lê Đình Tùng đề nghị.