Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa quyết liệt trong công tác phòng chống COVID-19

Chiều 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại Thanh Hoá và thống nhất các giải pháp, quyết liệt thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong tình hình mới, Thanh Hoá đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp để ứng phó với dịch bệnh, kiểm soát tốt, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện, tổng số người từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch về đang được cách ly tại nhà, nơi cư trú là 5.763 người. Tại cơ sở điều trị COVID-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hoá đang cách ly điều trị 5 bệnh nhân.

Được biết, triển khai thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tại Thông báo 125/TB-UBND ngày 28/7/2020, từ chiều 29/7 đến nay, Ban Chỉ đạo tỉnh Thanh Hoá đã đi kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Tại các địa phương đã kiện toàn ban chỉ đạo và tổ giám sát các cấp; 559 tổ giám sát cấp xã đã có báo cáo hoạt động hàng ngày; 20/88 người liên quan 28 điểm nguy cơ cao theo thông báo khẩn số 18 của Bộ Y tế được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Thanh Hóa quyết liệt trong công tác phòng chống COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng chủ trì Hội nghị

Với việc có bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, nguy cơ dịch xâm nhập vào Thanh Hóa rất lớn và hiện hữu, nguồn lây trước mắt và chủ yếu hiện nay là từ những người mang mầm bệnh trở về từ Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố có dịch, chưa loại trừ khả năng đã có nhiều người Thanh Hóa đang mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh hoặc mang mầm bệnh không triệu chứng sẽ là nguồn lây bệnh rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, thời gian qua số người đi từ Đà Nẵng và các vùng có dịch là rất lớn, trong khi chưa có điều kiện để xét nghiệm phát hiện hết nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Nguồn lây từ những người nhập cảnh vào Việt Nam và đến Thanh Hóa không theo đường nhập cảnh chính thống (qua đường mòn, lối mở, tàu thuyền…), nhất là những người qua biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc và qua biên giới với nước bạn Lào về Thanh Hóa. Trong khi đó, đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơi lỏng trong công tác phòng chống dịch sau thời gian gỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội. Hiện nguồn hóa chất, test kít, sinh phẩm để triển khai việc xét nghiệm giám sát rộng rãi trong thời gian ngắn chưa thực hiện được do nguồn dự trữ không đủ và việc mua bổ sung gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn cung... cần phải có sự chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho rằng: "Thuận lợi của Thanh Hóa là đã có kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, điều trị, kiểm soát dịch COVID-19, cơ sở vật chất đã được đầu tư và các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện hiệu quả trong đợt dịch đầu. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 125/TB-UBND ngày 28/7/2020, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai tương đối tốt".

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác triển khai, một số huyện triển khai hiệu quả chưa tốt, việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" chưa được tiến hành sâu sát, ý thức của một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh tại xã chưa cao, chưa hiệu quả. Việc triển khai xét nghiệm còn chậm, nhất là các đối tượng đi từ vùng dịch về.

Nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch lần này sẽ khó khăn hơn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu cần phải tăng cường công tác giám sát các đối tượng nguy cơ để cách ly kịp thời – đây là yếu tố thành công trong phòng chống dịch. Các địa phương cần bổ sung đối tượng theo dõi giám sát, tổ chức rà soát, giám sát, quản lý chặt chẽ, tổ chức cách ly phù hợp tất cả các đối tượng nguy cơ, trong đó tập trung vào giám sát tất cả những người đã ở Đà Nẵng và các vùng có dịch đến Thanh Hóa từ ngày 1/7/2020.

Tiếp tục rà soát, giám sát người nhập cảnh trái phép vào Thanh Hoá; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang bắt buộc tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện vận tải hành khách; phân loại đối tượng cách ly, theo dõi giám sát, có hướng dẫn quản lý đối tượng thực hiện cách ly tại nhà hiệu quả, phát huy hiệu quả của các tổ giám sát cộng đồng. Các huyện cần chủ động khởi động lại hệ thống cách ly ở huyện theo yêu cầu. Riêng tại TP Thanh Hoá, khi đối tượng cách ly ít sẽ đưa về Trung tâm Giáo dục quốc phòng – an ninh, Trường Đại học Hồng Đức.

Về phương án phòng chống dịch, cần tiếp tục rà soát lại phương án, kịch bản, bổ sung phương án cụ thể; thực hiện nghiêm việc phân luồng trong bệnh viện, nhất là tại các cơ sở y tế tư nhân để kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Đối với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là hoặc hoang mang trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động; khuyến cáo hạn chế tập trung đông người không cần thiết từ ngày 1-8.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cũng yêu cầu Sở Y tế rà soát trang thiết bị vật tư, chủ động đề xuất bảo đảm công tác phòng chống dịch nhưng tránh lãnh phí. Đề nghị các thành viên ban chỉ đạo tăng cường đi cơ sở kiểm tra, sâu sát cơ sở, giám sát hoạt động triển khai tại xã để có sự chỉ đạo kịp thời; duy trì họp ban chỉ đạo theo quy đinh; các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh đang diễn biễn phức tạp, tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân.